Bộ Công Thương phải trả lại hơn 15.000 m2 đất, hơn 11.000 m2 nhà ở cho Nhà nước

An Linh Thứ ba, ngày 23/05/2023 10:47 AM (GMT+7)
Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, khẳng định, 11 bộ ngành và 47 địa phương trên cả nước phải sắp xếp, trả lại tài sản cho Nhà nước hơn 170.400 m2 đất, hơn 21.500 m2 nhà ở.
Bình luận 0

Gần 28 triệu m2 tài sản đất của Nhà nước đang nằm ở các bộ, ngành và địa phương

Đáng nói, trong số bộ, Bộ Công Thương được yêu cầu trả lại hơn 15.000 m2 đất, hơn 11.000 m2 nhà ở.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, 11 bộ và 45 địa phương về kết quả rà soát, sắp xếp lại tài sản công là nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021: tài sản nhà, đất trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 10.925 cơ sở với tổng diện tích đất 27,9 triệu m2, tổng diện tích nhà 5,2 triệu m2.

Chính phủ: Bộ Công Thương phải trả lại hơn 15.000 m2 đất, hơn 11.000 m2 nhà ở cho Nhà nước - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 (Ảnh: Q.H)

Trong đó thu hồi 117 cơ sở với diện tích đất 170.447 m2, diện tích nhà 21.584 m2; điều chuyển 413 cơ sở với diện tích đất 630.019 m2, diện tích nhà 193.674 m2; bán 234 cơ sở với diện tích đất 416.713 m2, diện tích nhà 88.723 m2; phương án khác 297 cơ sở với diện tích đất 473.129 m2, diện tích nhà 113.129 m2; chưa xử lý 1.068 cơ sở với diện tích đất 5.815.215 m2, diện tích nhà 731.047 m2.

Trong số bộ ngành, Chính phủ khẳng định hiện Bộ Công Thương hiện quản lý hơn 99 cơ sở nhà đất với tổng diện tích hơn 2,1 triệu m2 đất, hơn 337.400 m2 nhà ở. Bộ Công Thương phải trả lại cho Nhà nước hơn 15.000 m2 đất, hơn 11.100 m2 nhà ở. Trong đó, hiện vẫn chưa xử lý 67 cơ sở với diện tích đất 12.578 m2, diện tích nhà 10.203 m2)

Chính phủ nêu rõ, công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, bên cạnh việc tạo nguồn tài chính thông qua sắp xếp nhà, đất góp phần chỉnh trang đô thị, đưa nhà đất vào sản xuất kinh doanh đóng góp nguồn thu lâu dài cho NSNN. 

Nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp và bố trí lại hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Đến ngày 31/12/2022, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước (trong đó có 19.247 cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước).

Theo báo cáo, một số địa phương phải thực hiện sắp xếp lại nhà đất, trong đó Thanh Hoá phải sắp xếp lại lại hơn 418.900 m2 đất, hơn 62.000 m2 nhà ở, trong đó thu hồi 84.023 m2; phương án khác 179 cơ sở với diện tích đất 334.931 m2, diện tích nhà 62.052 m2, tỉnh Hà Tĩnh phải sắp xếp, trả lại hơn 385.000 m2 đất, và hơn 66.700 m2 nhà ở….

Thực hiện Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 về tiêu chuẩn diện tích, định mức trang bị nội thất nhà ở công vụ, đến nay, cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2.386.503 m2, trong đó tổng quỹ nhà ở công vụ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là 19.251 căn, tương ứng với diện tích 1.134.737 m2, nhà ở công vụ của địa phương 55.508 căn, tương ứng với diện tích khoảng 1.251.766 m2.

Đã tiết kiệm được hơn 53.887 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số  cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một số doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt. 

"Quy hoạch sử dụng đất chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời. Do đối tượng thuê nhà ở công vụ bị thu hẹp nên quỹ nhà ở công vụ của địa phương và các cơ quan Trung ương hiện nay còn dôi dư; việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế, đặc biệt là nhà ở công vụ cho lực lượng vũ trang và nhà ở công vụ của các địa phương", Báo cáo Chính phủ nêu rõ.

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

Trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời...

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Do đại dịch Covid-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…còn diễn biến phức tạp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem