Dân Việt

Không ngờ thứ trái cây có mùi hơi lạ, ai đã ăn là nghiện của Việt Nam đã bán đến 22 nước

Khánh Nguyên 26/05/2023 05:59 GMT+7
Từ năm 2019 tới nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới.

Thêm 47 mã số sầu riêng được xuất khẩu

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV-Bộ NNPTNT), Cục đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023. 

Kết quả, có thêm 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện, tải tiến.

"Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này"- đại diện Cục BVTV cho biết.

Sầu riêng Việt Nam rộng cửa ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông dân Đăk Lăk phân loại sầu riêng. Ảnh: Ngọc Giàu

Sầu riêng Việt Nam rộng cửa ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Hiện tại, Cục BVTV đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho phía GACC. 

Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục và GACC triển khai theo kế hoạch của phía Bạn.

Từ năm 2019 tới nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. 

Khối lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 10.000 - 15.000 tấn. Năm 2022 là năm đầu tiên mở cửa thị trường Trung Quốc, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt trên 46.000 tấn. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022.

Thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất

Theo Cục BVTV, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022 lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 78% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Trung Quốc là 97%.

Việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.

Những năm trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, hiện tại Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngành sầu riêng Thái Lan phát triển trước Việt Nam hàng chục năm nay. Họ rất mạnh về công nghệ bảo quản, chất lượng sản phẩm, nhiều giống tốt và mới đây tiếp tục nâng tiêu chuẩn chất lượng của sầu riêng xuất khẩu. Ngành sầu riêng Thái Lan đi trước Việt Nam hàng chục năm, họ có giống tốt, sản phẩm đã có thương hiệu.

Để cạnh tranh được với họ ở thị trường Trung Quốc thì chúng ta phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều của Trung Quốc đạt 885.300 tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 18,9% về lượng, nhưng tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân 9 chủng loại quả đạt 1.329,7 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều là các loại quả mà Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng và chuối.

Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Ngoài 9 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu trái cây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan yêu cầu người dân, doanh nghiệp bắt đầu từ vùng nguyên liệu, người nông dân cần chuẩn hóa quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc BVTV phù hợp với yêu cầu của thị trường. "Cấp và quản lý mã số vùng trồng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.