Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội nên giảm thuế VAT 2% cho tất cả các mặt hàng thuộc danh mục chịu thuế 10% hiện nay. Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT sang năm 2024.
Theo GS-TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đà tăng trưởng suy giảm, chúng ta cần chính sách tài khóa mở rộng.
"Các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối nhau, vì vậy, chọn cái gì dễ quản lý, dễ làm mới hiệu quả, cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn", ông Ngân nhấn mạnh.
Theo ông Ngân: Trong ba năm qua doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, vì vậy, giờ chính sách cần phải bình tĩnh để giải quyết "căn cơ" các thách thức và giải bài toán một cách tổng thể. Vì vậy "không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác", đại biểu Ngân nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đồng tình với việc mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được thụ hưởng chính sách này để kích cầu tiêu dùng.
"Mở thêm lĩnh vực cần Chính phủ rà soát, đề xuất Quốc hội, nhưng theo tôi nên tập trung vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu vốn đang rất khó khăn hiện nay", ông nói.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam: "Cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng", mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
Ông Lộc cho rằng, bối cảnh khó khăn, các loại hình kinh doanh có sự đan xen, chồng chéo và liên đới với nhau nên việc giảm với mặt hàng, lĩnh vực này mà không giảm đối với mặt hàng kia gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hiện nay các doanh nghiệp đã và đang hoạt động đa ngành, có mua bán, công nợ nhiều mặt hàng, doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau.
Cũng về ý kiến giảm thuế VAT, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc giảm thuế VAT 2% và lại giới hạn trong 6 tháng cuối năm 2023 chưa đủ sức vực dậy nền kinh tế. Ông Vân đề xuất: "Giảm 4% thuế VAT kéo dài sang năm 2024 để có "dư địa" giúp doanh nghiệp quen với các chính sách, thủ tục thuế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế), Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong năm 2022 và đầu năm 2023, theo các đánh giá, phân tích của các cơ quan hữu quan và các chuyên gia, hiện nay tình hình kinh tế xã hội nước ta đang khá khó khăn.
Đơn cử như, TP.HCM, địa phương dẫn đầu cả nước hiện tăng trưởng GDP chỉ ở mức 0,7%, trong khi tổng của cả nước chỉ vào khoảng 3,32%. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như chính sách tiền tệ, tài khóa nhiều năm nay đã "gồng" hết sức, như chính sách tiền tệ đã cố gắng hạ mức lãi suất như thời gian qua. Song qua tiếp xúc cử tri, đại biểu nhận thấy doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Ông Nam cho rằng, việc Chính phủ trình chính sách giảm 2% thuế VAT là hết sức cấp thiết và đúng đắn để giúp doanh nghiệp phục hồi kịp thời. Tuy nhiên, cần theo đuổi chính sách ổn định thay vì ngắt quãng dẫn đến quá trình triển khai khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong khi bản thân cán bộ thuế cũng có thể gặp khó khăn.
Cũng liên quan đến vấn đề giảm thuế VAT, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng, chỉ nên giảm thuế với những lĩnh vực, nhóm hàng sản xuất đang bị giảm sâu, mất thị trường, đơn hàng. Theo ông Cường, các lĩnh vực làm ăn tốt, sinh lời cao như ngân hàng, không nên giảm để đảm bảo chính sách công bằng. Đại biểu Cường kỳ vọng kéo dài chính sách này sang năm sau để phát huy hiệu quả.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Nếu giảm VAT lâu hơn, quá 6 tháng thì phải đánh giá tác động xem ngân sách khó khăn hay không, giảm dài hơn ngân sách nhà nước có chịu được không?".
Về hạn chế của việc chỉ cho phép giảm thuế VAT 2% đối với một số ngành nghề, lĩnh vực xuống 8% thay vì toàn bộ, ông Lâm cho rằng, việc này có thể khiến điều hành chính sách mang tính giật cục. "Ngay cả việc giảm thuế 10% xuống 8% đối doanh nghiệp cũng khiến họ khó khăn bởi phải điều chỉnh hôm nay 10%, ngày mai lại 8% là quá khó khăn rồi. Bên cạnh đó cơ quan quản lý cũng thấy khá phức tạp", đại biểu Lâm phân tích.
Tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho ý kiến giảm thuế VAT 2% đối với tất cả các mặt hàng, lĩnh vực đang chịu thuế 10%. Tuy nhiên, sau khi cho ý kiến, Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại, đề nghị Chính phủ không mở rộng cơ sở phạm vi giảm thuế, trong đó đặt vấn đề các ngành lĩnh vực như ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông và bất động sản.
Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT với tất cả nhóm hàng hóa đang chịu mức thuế suất 10%, vì hiện các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn.