Uỷ ban Tài chính - Ngân sách: Có ý kiến đề nghị giảm thuế VAT 4% để khoan thư sức dân

An Linh Thứ tư, ngày 24/05/2023 18:53 PM (GMT+7)
Báo cáo thẩm tra về kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết có một số ý kiến đề xuất giảm thuế VAT ở mức 4% để khoan thư sức dân.
Bình luận 0

Có ý kiến đề nghị giảm thuế VAT 4%

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trường Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Tờ trình gửi Quốc hội về đề xuất giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm, mức giảm 2% cho các mặt hàng, ngoại trừ bất động sản, ngân hàng, viễn thông… như cho ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tình hình kịnh tế trong quý I/2023 khó khăn, tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (là 5,6%), trong đó tăng trưởng chủ yếu nằm ở 02 khu vực dịch vụ và nông - lâm - thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang suy giảm.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách: Có ý kiến đề nghị giảm thuế VAT 4% để khoan thư sức dân - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có nhiều ý kiến đề nghị giảm thuế VAT 4% để khoan thư sức dân (Ảnh: Q.H).

"Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân do doanh nghiệp bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn", báo cáo đề dẫn.

Chính phủ khẳng định, thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Bên cạnh các giải pháp giảm gánh nặng thanh toán như cắt giảm chi phí kinh doanh (giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuê đất, phí dịch vụ), gia hạn thời hạn nộp thuế… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã cho giảm các sắc thuế nhằm giảm khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp như: Gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế GTGT, thuế TNDN, giảm tiền thuê đất và không miễn giảm các loại thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế BVMT (trừ thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu do là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rộng khắp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân).

Tại Tờ trình gửi Quốc hội chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh,  năm 2022, thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN. 

Nhờ đó, "gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Dựa trên bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, cộng với những kết quả nổi bật đã thực hiện năm 2022, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định, thông qua quyết định cho phép giảm thuế VAT như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo Chính phủ, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng.

Tại báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết hiện vẫn còn một số quan điểm, ý kiến liên quan đến đề xuất giảm thuế VAT như thời gian quá ngắn, trong khi đó ý kiến lo ngại hiệu quả kích cầu tăng tiêu dùng của chính sách giảm VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 không đạt kỳ vọng như thực tế đạt được năm 2022 là 19,8%.

"Sức mua và tiêu dùng vào giai đoạn hiện nay đã khác so với bối cảnh năm 2022. Trong năm 2022 sức mua và tiêu dùng của người dân đã bung ra và tăng trưởng cao sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh, tới giai đoạn hiện nay, cả người dân và các doanh nghiệp đều đã và đang rất khó khăn", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho hay.

Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội: "Một số ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT vào giai đoạn nửa cuối 2023 khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như trong năm 2022".

Ngoài ra, "cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu", Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ có các các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung vào tháo gỡ các nút thắt để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế hơn là tiếp tục các chính sách giảm thu ngân sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem