"Vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi, thực tế lãi lớn, vậy giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý", đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhấn mạnh.
Cụ thể, theo đề xuất của Chính phủ lên Quốc hội, thuế VAT 6 tháng cuối năm sẽ giảm đối với toàn bộ hàng hoá đang chịu thuế suất 10% sẽ giảm 2% xuống mức 8%. Tuy nhiên, cho ý kiến mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình, đề nghị Chính phủ xem xét không mở rộng phạm vi giảm thuế VAT, chỉ giảm theo danh mục hàng hoá theo Nghị quyết 43/2022 đã được thực hiện năm 2022.
Đại biểu Trần Văn Lâm lý giải: "Không nên giảm thuế một cách đồng đều các mặt hàng như nhau, cân nhắc để cân đối tiêu dùng. Trong đề xuất lần đầu, Chính phủ yêu cầu giảm hết từ 10% xuống 8%, nhưng Nghị quyết 43/2022 đã cân nhắc, một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng lớn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 như dịch vụ y tế, thuốc men, thương mại online…", đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nói.
Ông Lâm nhấn mạnh: "Chẳng hạn như ngành ngân hàng, vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi lớn lắm, thực tế lãi lớn, vậy giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý. Còn chứng khoán, bất động sản dù còn khó khăn, song việc giảm thuế VAT cũng chưa thuyết phục được", ông Lâm nói.
Về hạn chế của việc chỉ cho phép giảm thuế VAT 2% đối với một số ngành nghề, lĩnh vực xuống 8% thay vì toàn bộ, ông Lâm đồng tình việc này có thể khiến điều hành chính sách mang tính giật cục.
"Ngay cả việc giảm thuế 10% xuống 8% đối doanh nghiệp cũng khiến họ khó khăn bởi phải điều chỉnh hôm nay 10%, ngày mai lại 8% là quá khó khăn rồi. Bên cạnh đó cơ quan quản lý cũng thấy khá phức tạp.", đại biểu Lâm phân tích.
Giảm VAT dài hạn, ngân sách Nhà nước có chịu được không!?
Đối với ý kiến dư luận, chuyên gia kinh tế đề nghị giảm thuế VAT lâu hơn để ổn định kinh tế, bớt thủ tục, khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Lâm đặt lại vấn đề: "Nếu giảm VAT lâu hơn, quá 6 tháng thì phải đánh giá tác động xem ngân sách khó khăn hay không, giảm dài hơn ngân sách Nhà nước có chịu được không?"
Vị này cho rằng: Trong thời điểm này, chúng ta phải làm hai nhiệm vụ vừa phải giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo ổn định, cân đối lớn của vĩ mô.
"Chúng ta không có thu thì sao có chi, bổ sung khám chữa bệnh cho nhân dân, không đầu tư sao có tăng trưởng. Cần giải quyết hài hoà các yếu tố", ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Lâm, chính sách tài khoá tung ra lớn, hiệu quả cũng thấy nhưng chính sách tiền tệ không nhiều thay đổi, zoom tín dụng chật hẹp, gò lãi suất.
"Chúng ta không dám mạo hiểm để tăng cung tiền cho doanh nghiệp, chúng ta đặt hệ số an toàn nhưng an toàn quá mức, có lẽ phải tính toán thêm", ông Lâm nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, "chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đáng lẽ ra doanh nghiệp phải hưởng ứng, ngân hàng phải thực thi, nhưng không rõ nguyên nhân tại sao kết quả rất hạn chế. Vấn đề linh hoạt trong zoom tín dụng còn thấp, lãi suất tín dụng cao, đánh mạnh làm doanh nghiệp khó khăn".
Sau khi có ý kiến không đồng thuận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới đây đã có Tờ trình gửi Quốc hội rút lại đề xuất giảm thuế VAT 2% với nhóm hàng hoá như: Viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.