Như Dân Việt đã phản ánh, trên hành lang thoát lũ sông Hồng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội thời gian qua đã tồn tại nhiều trạm trộn bê tông, nhà xưởng, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn. Những công trình nhân tạo này đang vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật hiện hành như Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng, Luật Đất đai…
Ngay sau khi loạt bài 4 kỳ được đăng tải, cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các điểm vi phạm, trong đó có nhiều điểm vi phạm quy định về đê điều Báo điện tử Dân Việt nêu.
Trao đổi với Dân Việt sáng 29/5, đại diện Chi cục Thủy lợi và PCTT Hà Nội cho hay, các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, tồn tại kéo dài Báo điện tử Dân Việt phản ánh, nằm trong số 20 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, đã được Thanh tra thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra và kiến nghị xử lý tại Kết luận số 5982/KL-TTTP(VP) ngày 20/12/2021.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo xử lý sau thanh tra tại Văn bản số 395/UBND-KT ngày 14/02/2022 "Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý nghiêm, dứt điểm...; kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi với diện tích đất bãi sông, đất trong phạm vi bảo vệ đê điều bị sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đã nêu tại phần kết luận thanh tra". Tuy nhiên, đến nay kết quả xử lý còn hạn chế.
Chi cục Thủy lợi và PCTT Hà Nội đã tổng hợp, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, có báo cáo số 58/BC-SNN ngày 14/3/2023 về tình hình vi phạm pháp luật về đê điều ở các khu vực bãi sông.
Đồng thời, Chi cục Thủy lợi và PCTT Hà Nội cũng tiếp tục yêu cầu các Hạt Quản lý đê thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng quản lý đê điều chuyên trách, thường xuyên bám tuyến, bám địa bàn, tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm ngay từ khi phát sinh, kịp thời phối hợp ngăn chặn, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, Chi cục đã có báo cáo và tham mưu văn bản để Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội gửi UBND các quận, huyện có vi phạm đề nghị xử lý, hoặc báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý.
Song song với đó, Chi cục Thủy lợi và PCTT Hà Nội cũng đề nghị chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…;
Quản lý chặt chẽ đất ngoài bãi sông (đất công, đất nông nghiệp), không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng, lắp dựng công trình trái pháp luật; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm minh, dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, lắp dựng công trình, nhà kho, nhà xưởng trái phép, không phép, sai phép, các trường hợp đổ, chôn lấp rác thải, mất vệ sinh môi trường ở khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều.
Riêng đối với các quận, huyện nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống cần khẩn trương triển khai lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ ở bãi sông và thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND, và số 1046/QĐ-UBND ngày 25/3/2022.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, tháng 4/2023 UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện: Phúc Thọ, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên và Gia Lâm xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm đã được Thanh tra Thành phố kết luận.
Đồng thời, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện đấu giá tại các khu vực bến bãi đủ tiêu chí hoạt động; hoàn tất các thủ tục pháp lý để tổ chức, cá nhân hoạt động đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông; bảo vệ phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất bãi sông đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả; phòng ngừa và kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra hoạt động bến thuỷ nội địa đối với các tổ chức, cá nhân mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều.
Sở Xây dựng chỉ đạo thanh tra xây dựng (Quản lý trật tự xây dựng đô thị) tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực ven đê, trên bãi sông; kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ tại khu vực ven đê, trên bãi sông theo đúng quy định (UBND thành phố đã chỉ đạo tại các Văn bản số 208/TB-UBND ngày 03/3/2020, số 6607/VP-ĐT ngày 10/8/2020).
Công an Thành phố: chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp bơm hút cát trái phép ở lòng sông, đặc biệt tại những khu vực để sát sông, kè bảo vệ bờ; ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê;
Bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương để tổ chức ngăn chặn, xử lý, cưỡng chế, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải thường xuyên phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật;
Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đê diều, những điều khoản thiếu khả thi khi áp dụng vào thực tiễn, những hành vi vi phạm mới phát sinh trong thực tiễn cần được nghiên cứu; tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho mọi hoạt động của công tác phòng, chống lụt, bão, khai thác và bảo vệ công trình đê điều.