Vi phạm trên hành lang sông Hồng diễn ra tinh vi, nghiêm trọng
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai: Vi phạm trên hành lang sông Hồng diễn ra tinh vi, nghiêm trọng (Bài 4)
Nhóm PV
Chủ nhật, ngày 28/05/2023 07:34 AM (GMT+7)
5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận 458 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, tuy nhiên, đến nay mới xử lý được 76 vụ việc. Hành lang thoát lũ dọc con sông Hồng đang bị xâm hại, đe dọa tới an toàn của người dân Thủ đô trước mỗi mùa mưa bão.
Như Dân Việt đã phản ánh, hiện nay, hành lang thoát lũ của các con sông chạy qua địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực sông Hồng đang xảy ra tình trạng bị xâm hại, lấn chiếm để xây các công trình như nhà xưởng, trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Dù cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều công trình chưa được xử lý dứt điểm.
Để có cái nhìn bao quát, tổng thể về bức tranh trên dòng sông Hồng, đoạn qua thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Tuyên- Trưởng phòng quản lý đê điều (Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai).
Ông đánh giá thế nào về việc vi phạm pháp luật về đê điều tại địa bàn TP.Hà Nội, nhất là các điểm ven sông Hồng?
Tình trạng xây dựng công trình nhà xưởng cũng như lấn chiếm lòng sông, bãi sông trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là khu vực sông Hồng diễn ra rất phổ biến trên nhiều địa bàn thuộc các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức,…
Chúng tôi đánh giá đây là tình trạng rất nghiêm trọng. Đây không phải là những vụ việc mới diễn ra mà có quá trình vi phạm tương đối dài. Những năm gần đây, qua công tác quản lý cũng như báo cáo của địa phương và sự phản ánh của các cơ quan báo chí trong đó có Báo điện tử Dân Việt cho thấy tình trạng vi phạm gần đây diễn ra với quy mô ngày càng lớn.
Rất nhiều vụ đổ phế thải lấn chiếm, sau đó là trồng cây tạo mặt bằng giả, giấu hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó, sau khi có được mặt bằng thì họ xây dựng nhà xưởng trái phép. Theo chúng tôi đánh giá thì quy mô vi phạm ngày càng tăng, tinh vi và nghiêm trọng.
Thưa ông, các công trình xây dựng vi phạm hành lang thoát lũ của sông Hồng sẽ gây hậu quả như thế nào?
Luật Đê điều đã quy định rất rõ, và đặc biệt cụ thể hóa từ bộ Luật, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tại Quyết định số 257 ngày 18/2/2016.
Trong đó quy định rõ, không gian để dành cho thoát lũ và chứa lũ là không gian được xác định giữa 2 tuyến đê. Và trong đó cũng quy định rất cụ thể là khu vực nào được phép xây dựng nhà ở và với tỉ lệ cho phép nhất định thôi.
Như vậy, việc xây dựng công trình nhà xưởng trái phép, không tuân thủ quy định của Luật, không tuân thủ quy hoạch thì sẽ làm thu hẹp lòng dẫn gây cản trở dòng chảy thoát lũ. Từ việc cản trở dòng chảy thoát lũ, với lòng dẫn bị thắt hẹp như vậy sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống đê khi mực nước dâng cao và có thể vượt qua khả năng chống đỡ của các tuyến đê.
Vì vậy, chúng tôi đánh giá đây là một tình trạng hết sức nguy hiểm, đặc biệt đối với Hà Nội vì Hà Nội có hệ thống đê điều quan trọng nhất của cả nước. Trong đó có tuyến đê cấp đặc biệt với trên 37 km trực tiếp bảo vệ cho các quận nội thành, trung tâm đầu não kinh tế, chính trị của cả nước. Nếu xảy ra vỡ đê thì đây sẽ là thảm họa.
Vậy trước đó đã từng xảy ra vụ việc nào đe dọa tới tuyến đê hay tính mạng của nhân dân?
Thực tiễn, nhiều vụ vi phạm cũng đã xảy ra các sự cố ảnh hưởng tới an toàn đê điều. Chúng tôi có thể lấy ví dụ như tình trạng tập kết vật liệu trên bãi sông thuộc địa bàn phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây xảy ra vào năm 2012 đã gây sụt lún toàn bộ bãi sông mà bãi sông là thềm phủ trước đê. Như vậy, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê.
Tất nhiên những năm gần đây, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình không xảy ra lũ lớn thường xuyên bởi các hồ chứa khi đi vào hoạt động đã cắt được những cơn lũ nhỏ, lũ thường xuyên. Tuy nhiên, khi xảy ra trường hợp mưa lũ lớn, cực đoan ở khu vực thượng lưu vào các thời kỳ các hồ chứa đã tích đầy nước, khi lũ về bao nhiêu thì các hồ chứa phải cấp tập xả lũ. Và như vậy câu chuyện nguy cơ lũ lớn là hiện hữu. Và chúng ta có thể gặp phải những trận lũ lớn như trong quá khứ đã từng xảy ra.
Bên cạnh đó, nhìn sang các nước xung quanh như lũ lớn ở Trung Quốc năm 2020. Họ cũng có hệ thống đê điều tương đồng với Việt Nam, đặc biệt họ còn có các công trình hồ chứa rất lớn ở thượng nguồn ví dụ như sông Trường Giang, Dương Tử.
Năm 2020, họ cũng đã phải xả lũ khẩn cấp và gây ngập lụt rất lớn. Và các nhà khoa học đã đưa ra nhận định một trong các nguyên nhân gây ra lũ lụt ở Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn các giai đoạn trước đó chính là do các lòng sông đang thu hẹp.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông đã có những hành động, xử lý thế nào đối với các công trình vi phạm pháp luật về đê điều?
Thực hiện vai trò trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Đê điều, với trách nhiệm là cơ quan quản lý đê điều ở Trung ương, ngay từ rất sớm, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 47 năm 2011 yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đê cần phải tăng cường ngăn chặn vi phạm pháp luật về Luật Đê điều trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hàng tháng chúng tôi đều nắm bắt, tổng hợp tình hình vi phạm đê điều ở các địa phương và ra văn bản thông báo, gửi cho UBND các cấp có đê, đề nghị xử lý vi phạm hàng tháng. Đối với những khu vực, địa bàn trọng điểm hoặc với từng vụ việc cụ thể thì chúng tôi cũng ban hành rất nhiều văn bản để gửi cho chính quyền địa phương xử lý.
Bên cạnh đó, về công tác thông tin, tuyên truyền, hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức 2 hội nghị rất quan trọng như: Hội nghị với 178 Chủ tịch UBND huyện có đê nhằm tuyên truyền tầm quan trọng của Luật Đê điều và tình hình vi phạm cũng như yêu câu ngăn chặn vi phạm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu UBND huyện.
Từ năm 2022 đến nay, cơ quan đã phối hợp với chính quyền xử lý bao nhiêu công trình vi phạm?
Về trách nhiệm xử lý vi phạm thuộc về chính quyền địa phương các cấp và trong đó có phần trách nhiệm của các lực lượng quản lý đê điều tại cơ sở. Với chức năng của chúng tôi là quản lý đê điều mà trước đây là Vụ Quản lý đê điều thì chúng tôi cũng tổng hợp, nắm bắt và đôn đốc việc xử lý vi phạm.
Theo như số liệu báo cáo từ các địa phương thì có khoảng 11.000 vụ vi phạm Luật đê điều, số vụ vi phạm được chính quyền địa phương xử lý chỉ đạt được trên 30%. Còn lại tồn đọng trên 60%.
Trong đó, với các địa bàn có đê, Hà Nội là địa phương có số vi phạm nhiều nhất trên cả nước.Theo số liệu của chúng tôi tổng hợp 5 năm trở lại đây, tại Hà Nội đã xảy ra 458 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và thành phố mới xử lý được 76 vụ và còn tồn đọng đến 382 vụ. Có nghĩa là số vụ chưa xử lý được trong 5 năm qua là 83%.
Vậy những tồn tại, vướng mắc, khó khăn là gì thưa ông?
Qua theo dõi, chúng tôi cũng đánh giá ở nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi đánh giá có những nguyên nhân rất quan trọng để xử lý hiệu quả vi phạm là: Thứ nhất, phải phát hiện ngay từ sớm, kịp thời. Thứ hai, khi đã phát hiện rồi phải kiên quyết xử lý dứt điểm để tránh tình trạng từ vi phạm nhỏ dẫn đến vi phạm lớn.
Ví như hành vi xây dựng một công trình trái phép, ngay từ khi làm móng, ngoài việc các Hạt quản lý đê điều đã lập biên bản vi phạm chuyển cho UBND cấp xã, phường để xử lý thì lúc đó chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý ngay.
Nếu để từ cái móng xây thành một nhà xưởng rồi thì việc xử lý sau này rất khó khăn, tốn kém và bản thân chủ vi phạm rất khó chấp hành và càng cố tình vi phạm.
Cái nữa tôi cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở là phải sâu sát và tuân thủ theo đúng trách nhiệm được giao. Ở đâu đó, tôi cho rằng có tình trạng buông lỏng quản lý và còn nể nang, né tránh, chưa kiên quyết xử lý theo đúng trách nhiệm được giao.
Ông có kiến nghị gì đối với những công trình vi phạm hiện nay?
Đối với tình trạng vi phạm hiện nay, tôi cho rằng các địa phương phải triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, năm 2011 chúng tôi đã tham mưu Chỉ thị số 47, đến năm 2019 chúng tôi đã tiến hành tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 47 và tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 24 năm 2019 riêng về xử lý vi phạm đê điều. Và trong đó đã nói rất rõ các nội dung chỉ đạo, các địa phương cần bám sát vào chỉ đạo của Thủ tướng để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, phải tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, điển hình nhằm tạo sự răn đe. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm nay, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch để báo cáo Bộ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đi kiểm tra, thanh tra những vi phạm nghiêm trọng ở một số địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.