Công trình vi phạm phải được xử lý, trả lại hiện trạng ban đầu
Công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng phải được xử lý, trả lại hiện trạng ban đầu (Bài 3)
Nhóm PV
Thứ bảy, ngày 27/05/2023 14:54 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt sau khi xem các vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng mà phóng viên cung cấp, chuyên gia cho rằng vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng là rõ ràng, đe dọa tới cuộc sống của người dân Thủ đô.
Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho hay, đã có nhiều nghiên cứu và nhà khoa học chỉ ra rằng lũ ở khu vực miền Trung trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng.
Một trong những nguyên nhân gây ra lũ là do phát triển kinh tế xã hội, trong đó bao gồm 2 yếu tố cơ bản, một là đường giao thông, cầu cống không đủ khả năng thoát lũ, thứ hai là do nhà cửa xây dựng trong hành lang thoát lũ nên làm gia tăng lũ lớn.
Bởi vậy, ông Thắng cho rằng, việc bảo vệ hành lang thoát lũ sông Hồng là rất cần thiết bởi còn liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh Quốc gia.
"Mọi công trình vi phạm nằm trên không gian, hành lang thoát lũ sông Hồng phải được xử lý, giải phóng, trả lại hiện trạng ban đầu. Các công trình này sẽ gây cản lũ khi mùa mưa bão tới, đe dọa tới người dân Thủ đô", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho hay, những năm gần đây Việt Nam đã xây dựng một số hồ chứa lũ lớn ở thượng nguồn nên việc điều tiết lũ đã tốt hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nhiều người có phần buông lỏng, chưa quan tâm đến vấn đề mưa lũ.
"Một minh chứng thấy rõ nhất là những trận lũ gần đây đều xuất hiện ở tháng 10, theo quan niệm mọi người, ở thời điểm này là đã vào mùa khô. Lúc này các hồ chứa tích nước cũng đã đầy. Vì vậy, nếu như có lũ xuất hiện sẽ rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mọi việc đều có thể xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, xử lý mạnh đối với các công trình vi phạm", ông Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn) cho rằng, các công trình nhà ở, nhà xưởng ở ven sông Hồng sẽ gây hưởng lớn việc thoát lũ, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Các công trình này sẽ trở thành vật cản dòng chảy, thu hẹp khả năng tiêu thoát lũ. Như vậy, khi lũ dâng cao sẽ gây ảnh hưởng tới đê điều, đe dọa tới tính mạng, tài sản của những bà con Thủ đô ở trong và ngoài đê.
"Một trong những nguyên tắc trong phòng, chống thiên tai là không được để vật cản trong việc thoát lũ. Cái này, Luật đê điều cũng đã có và nêu rất rõ. Nhưng bản thân tôi thấy, một số lãnh đạo chưa quyết liệt trong việc này. Hiện nay, nhiều người dân, nhà quản lý có tư tưởng chủ quan, vi phạm quy định", ông Niên bày tỏ.
Bài học từ Quốc tế
Ông Niên dẫn chứng câu chuyện của sông Trường Giang (Trung Quốc). Sông Trường Giang có con đập Tam Hiệp có thể chứa được khoảng 25 tỷ khối nước. Còn một số công trình của Việt Nam mới chỉ chứa được khoảng 10 tỷ khối nước.
Năm 2018, lũ lớn đến mức đe dọa tới an toàn của đập và lưu vực hệ thống đê sông Trường Giang. Phía Trung Quốc đã phải tính toán đến phương án chống lũ là ra lệnh cho phá một số nhà ở ở Vũ Hán để biến khu vực này thành một bãi sông, thành những công viên, vườn hoa, cây cảnh nhằm tạo dòng chảy.
Còn ở Việt Nam, năm 2017, hồ thủy điện Hòa Bình phải xả lũ, mặc dù đã có hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu. Nhưng điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên phải xả đến 8 cửa xả đáy.
"Đấy là mưa mới chỉ ở trong khu vực Sông Đà mà đã gây ra lũ lớn như thế. Bài học của Trung Quốc mình cũng đã thấy rồi. Biến đổi khí hậu, ta khó lường được. Bởi vậy, các cơ quan cần phải hết sức cẩn trọng, nhất là trong việc xử lý vi phạm trong hành lang thoát lũ sông Hồng", ông Niên nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.