Nhà xưởng, trạm trộn bê tông nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng
Nhà xưởng, trạm trộn bê tông nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng (Bài 1)
Nhóm PV
Thứ năm, ngày 25/05/2023 18:00 PM (GMT+7)
Từ trạm trộn bê tông rộng hàng nghìn mét vuông đến nhà xưởng rộng chục nghìn mét, thậm chí bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trông giữ hàng hóa rộng cả chục héc ta đều được xây dựng trái phép, vi phạm hành lang, không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua TP.Hà Nội.
Clip các công trình nhà xưởng nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng. Thực hiện: Nhóm PV Dân Việt.
LTS: Mùa mưa lũ đang đến, việc khơi thông dòng chảy, dọn dẹp, xử lý các vật cản thuộc hành lang sông là cần thiết, nhằm tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát lũ của các con sông, nguy cơ thiên tai đang hiện hữu.
Vậy nhưng, trên hành lang thoát lũ sông Hồng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội thời gian qua đã tồn tại nhiều trạm trộn bê tông, nhà xưởng, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn. Những công trình nhân tạo này đang vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật hiện hành như Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… tất cả đều do "nhân tai" mà ra.
Đã đến lúc cần có một quy hoạch tổng thể về hàng lang thoát lũ sông Hồng đến cấp xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cần có những giải pháp để bảo vệ, sử dụng hành lang thoát lũ sông Hồng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất, thất thu thuế, phí; giúp bà con nông dân phát triển kinh tế - xã hội.
Những công trình khủng án ngữ bên sông Hồng
Những ngày cuối tháng 3/2023, di chuyển trên đường vành đai 3 thành phố Hà Nội đoạn gần cầu Thanh Trì bắc ngang qua sông Hồng, dễ dàng nhận thấy những trạm trộn bên tông "mọc" ven sông. Trên địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức nằm trên không gian thoát lũ sông Hồng.
Xuôi theo bờ hữu sông Hồng về phía hạ lưu thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, các công trình vi phạm còn "khủng" hơn, với những công trình nhà xưởng kiên cố, tường rào bằng gạch, mái lợp bằng tôn trên những khung thép chắc chắn của Công ty Cổ phần chế tạo máy Hồng Hà dựng lên để cho các đơn vị khác thuê lại.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các trạm trộn bê tông, nhà xưởng lớn không phép. Cũng nằm trên bờ hữu sông Hồng đoạn qua xã Vạn Điểm giáp ranh với xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) một bến bãi rất lớn của Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Hoàng Gia sử dụng để chứa cát, bãi than với nhiều xe tải trọng lớn ra vào bãi xúc cát, than đi tiêu thụ, thậm chí hình thành lên một bãi chứa ô tô và các thiết bị máy móc khác ven sông.
Đó là những công trình vi phạm hành lang, không gian thoát lũ sông Hồng ở xa trung tâm thành phố hàng chục km. Đáng chú ý, giữa trung tâm Hà Nội, một khu vui chơi giải trí được xây dựng trên diện tích rộng lớn thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Tại đây những khu nhà lợp tôn, nhà chòi ngắm cảnh, quán nước, cà phê được xây dựng kiên cố, thậm chí chủ đầu tư còn đóng cọc sắt, chằng buộc lưới B40 làm hàng rào sát mép nước sông Hồng.
Ở trên địa bàn thành phố Hà Nội ngoài hành lang, không gian thoát lũ sông Hồng đang bị lấn chiếm thì trên sông Đuống đoạn qua xã Dương Hà, huyện Gia Lâm cũng tồn tại một công trình trạm trộn bê tông lớn nhiều năm nay xây dựng trên đất công do Nhà nước quản lý.
Còn ven sông Cà Lồ thuộc thôn Thụy Lâm, xã Thụy Lôi, huyện Đông Anh nhiều bến bãi, trạm đúc bê tông cũng được xây dựng ven sông, trên cánh đồng không được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Sông Hồng chảy qua 17 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, hình thành gần 38km đê cấp đặc biệt và 125km đê cấp I. Tuyến đê này có vai trò quan trọng trong việc chống lũ cho thành phố. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân Việt, tại nhiều quận, huyện, thị xã có sông Hồng chảy qua đều để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều với các mức độ khác nhau.
Vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều
Theo Kết luận mới nhất của Thanh tra TP. Hà Nội về việc Thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong 20 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức sử dụng hơn 21.000 m2 diện tích đất nông nghiệp ở bãi sông Hồng.
Trước đó, diện tích này được Ủy ban nhân dân phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai giao cho 154 hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64 của Chính Phủ. Sau đó, các cá nhân ký hợp đồng cho công ty này thuê.
Quá trình sử dụng, Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức (quận Hoàng Mai) san lấp mặt bằng, xây dựng trạm trộn bê tông trên trên đất nông nghiệp, vi phạm Luật Đất Đai năm 2003. Năm 2020, sau khi thanh tra, các hộ dân và Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức vẫn tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, tiếp tục sử dụng đất, không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với Công ty TNHH Việt Anh (huyện Gia Lâm), Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ nguồn gốc đất là đất công, nằm ở bãi sông Đuống, do UBND xã Dương Hà, huyện Gia Lâm quản lý.
Theo Kết luận Thanh tra, việc Ủy ban nhân dân xã Dương Hà ký hợp đồng cho thuê (năm 2014) 65.000m2 đất để sản xuất nông nghiệp là trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai. Từ năm 2015 đến 2018, công ty này có các hành vi đổ đất trạc, phế thải xây dựng, xây trạm trộn bê tông tại bãi sông khi không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều và Luật Xây dựng.
Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Hoàng Gia (huyện Thường Tín) đang sử dụng hơn 93.000 m2 có nguồn gốc là đất chuyên dùng (đất thùng hố sản xuất vật liệu xây dựng) nằm ngoài bãi sông Hồng, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.
Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây cũ đã có quyết định cho công ty này thuê đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng Vạn Điểm. Tuy nhiên, do vướng mắc về quy hoạch nên dự án chưa được thực hiện. Sau đó, công ty đã sử dụng khu đất này để chứa vật liệu xây dựng, chất đốt, xây dựng công trình (mố cầu, nhà cấp 4) khi chưa được thành phố cấp phép, vi phạm Luật Đê Điều.
Về phần diện tích nhà xưởng vi phạm, Công ty cổ phần chế tạo máy Hồng Hà sử dụng hơn 31.000 m2 diện tích có nguồn gốc là đất làm lò sản xuất gạch thủ công do UBND xã Ninh Sở, huyện Thường Tín quản lý, nằm ngoài bãi sông Hồng.
Năm 2008, tỉnh Hà Tây cho công ty này thuê để thực hiện dự án Nhà máy chế tạo thiết bị tự động cơ khí thủy lực. Tuy nhiên, từ tháng 8/2008, công ty này không nộp tiền sử dụng đất, vi phạm Luật Đất Đai. Từ năm 2010 đến năm 2017, công ty này đã xây dựng 15 nhà xưởng, diện tích khoảng 16.000m2 và 1 khu nhà điều hành, nằm trong hành lang thoát lũ, chưa được Thành phố Hà Nội cấp phép xây dựng, vi phạm Luật Đê Điều.
Ngay bên cạnh những vi phạm của Công ty cổ phần chế tạo máy Hồng Hà là những nhà xưởng lớn của ông Phạm Văn Bảy, Bùi Cao Khả với diện tích nhà xưởng rất lớn, vi phạm Luật Đê điều.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bảy đã xác nhận các nhà xưởng do ông xây dựng và cho thuê gần Công ty cổ phần chế tạo máy Hồng Hà là vi phạm, hợp đồng thuê đất của ông với UBND xã Ninh Sở đã hết hạn từ năm 2018.
Theo tài liệu phóng viên có được, ông Phạm Văn Bảy và Bùi Cao Khả sử dụng diện tích hơn 17.000 m2 là loại đất hố, thuộc phạm vi bảo vệ đê và bãi sông tuyến đê Hữu Hồng.
Diện tích này, do Ủy ban nhân dân xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) quản lý. Hai hộ dân này được cho thuê đất với mục đích trồng cây ăn quả, cây cảnh. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, hai hộ dân đã xây dựng 8 công trình kết cấu khung thép, mái tôn, với tổng diện tích hơn 8.000m2. Quá trình xây dựng công trình không được các cơ quan quản lý cấp phép, vi phạm Luật Đất Đai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.