Dân Việt

Làm giàu nhờ nuôi con đặc sản, một nông dân Ninh Bình hé lộ bí quyết chống nóng cho ốc nhồi

Vũ Thượng 30/05/2023 13:13 GMT+7
Để con ốc nhồi phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nắng nóng, anh Lã Phú Thuận (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) đã lắp đặt nhiều trụ cột bê tông, làm giàn trồng cây mướp bao quanh ao nuôi. Anh Thuận là một trong những nông dân Ninh Bình đang làm giàu nhờ nuôi ốc đặc sản.

Để chống nóng cho ốc nhồi vào mùa hè, ngoài ra, theo anh Thuận còn nên thả thêm cây rêu, bèo…tạo nguồn thức ăn tự nhiên cũng như chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi.

Thuê đất 1 triệu đồng/sào/năm để nuôi con ốc nhồi

Trước khi biết đến nghề nuôi con ốc nhồi, anh Lã Phú Thuận (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã có thâm niên 25 năm làm nghề giáo viên, nhưng anh Thuận vẫn quyết định ở nhà để để xây dựng mô hình nuôi con ốc nhồi và trồng cây khoai môn ngọt Thái Lan lấy ngó.

Clip: Anh Lã Phú Thuận (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) bật mí cách chống nóng, kỹ thuật nuôi ốc nhồi hiệu quả


Anh Lã Phú Thuận chia sẻ: "Năm 2018, tôi bắt đầu tìm hiểu các mô hình nông nghiệp, tôi đọc báo, xem tivi, đi tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh để về xây dựng ý tưởng riêng cho mình. Năm 2020, tôi quyết định thuê đất để nuôi con ốc nhồi bán giống và thương phẩm".

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 2.

Anh Lã Phú Thuận (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) trồng cây mướp quanh ao để chống nóng cho ốc nhồi. Ảnh: Vũ Thượng

"Đồng thời, tôi nhận thấy con ốc nhồi ngoài đồng, trong ao ngày càng hiếm dần, trong khi nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi trên thị trường đang tăng cao. Không những vậy, con ốc nhồi còn là loài phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt, hiệu quả kinh tế rõ rệt, phù hợp với đồng ruộng ở địa phương....", anh Thuận cho biết.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 3.

Trồng cây mướp ngoài việc chống nóng, quả mướp còn là nguồn thức ăn cho ốc nhồi. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện, anh Thuận có tổng diện tích 4,2 ha trồng cây khoai môn ngọt Thái Lan, kết hợp nuôi các loại cá, tép…Trong đó, riêng nuôi con ốc nhồi với diện tích 2 ha, để có diện tích trên, anh Thuận phải thuê đất từ nhiều hộ dân với giá 1 triệu đồng/sào/năm. Trong năm 2023, anh Thuận phấn đấu thả 200 vạn con ốc nhồi giống, coi như phủ khắc diện tích 2 ha.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 4.

Anh Thuận ban ốc nhồi thương phẩm với giá là 120.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng

Con ốc nhồi thương phẩm loại 30-35 con/kg anh Thuận bán giá 120.000 đồng/kg; ốc nhồi giống tùy theo kích thước, thời điểm có giá từ 200-500 đồng/con. Dự kiến với diện tích 4,2 ha, năm 2023, tổng doanh thu của gia đình đạt trên 3 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận đạt trên 2 tỉ đồng/năm".

Kỹ thuật nuôi, chống nóng cho con ốc nhồi

Với nhiều năm nuôi con ốc nhồi thành công, anh Thuận bật mí, trước khi tiến hành thả con ốc nhồi xuống ao nuôi, bà con nông dân phải tập trung xử lý tốt môi trường nuôi ngay từ đầu.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 5.

Ốc nhồi giống anh Thuận bán từ 200-500 đồng/con. Ảnh: Vũ Thượng

Cụ thể, hút cạn nước trong ao, đắp bờ bao quanh, dọn sạch cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao,…Sau đó mới tiến hành bơm nước vào ao nuôi và mực nước cao khoảng 1 mét để giữ độ an toàn cho con ốc nhồi.

Riêng nguồn thức ăn cho con ốc nhồi, anh Thuận sử dụng hoàn toàn từ tự nhiên như: Lá cây khoan môn ngọt Thái Lan, quả mướp, lá mướp, rêu, bèo tấm, lá sắn…Anh Thuận lưu ý, lượng thức ăn cấp cho con ốc nhồi vừa đủ, không để dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi dẫn đến ốc bị chết.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 6.

Cây mướp là dạng cây dây leo, lá to...phù hợp chống nóng cho ốc nhồi nuôi dưới ao. Ảnh: Vũ Thượng

Đặc biệt, con ốc nhồi chịu nóng rất kém nên mùa hè bà con nuôi cần phải chống nóng bằng cách lắp đặt các trụ cột bằng bê tông (độ bền kéo dài nhiều năm), phía trên làm giàn để trồng cây mướp leo nhằm tạo bóng mát, cũng như quả, lá mướp làm thức ăn cho con ốc nhồi rất tốt. Ngoài ra, thả thêm cây rêu, bèo…vào ao nuôi để tạo mát thêm cho con ốc nhồi.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 7.

Nắm vững kỹ thuật nuôi ốc nhồi nên nhiều năm hộ anh Thuận giảm được thiệt hại do ốc chết vì bệnh. Ảnh: Vũ Thượng

"Ngoài ra, nuôi con ốc nhồi cần lưu ý đến bệnh sưng vòi, là bệnh nguy hiểm nhất trên ốc, dễ gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý bệnh, tránh dịch lây lan", anh Thuận cho biết.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 8.

Anh Thuận thu gom trứng ốc nhồi đưa vào thùng nhựa ấp cho đảm bảo. Ảnh: Vũ Thượng

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất giống ốc nhồi, anh Thuận cho biết sau 12 tháng nuôi, con ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian đẻ trứng rộ thường từ tháng 4 đến tháng 9 khi thời tiết ấm. Khi ốc nhồi đẻ trứng thì cần tiến hành thu gom lại đưa về khu ấp riêng biệt nằm tăng cao tỉ lệ trứng nở.

Một nông dân ở Ninh Bình bật mí chống nóng hiệu quả cho con ốc nhồi  - Ảnh 9.

Trứng ốc nhồi khi đưa vào ấp từ 15-17 ngày là nở thành ốc nhồi con. Ảnh: Vũ Thượng

Sau từ 15-17 ngày trứng có dấu hiệu nở (chuyển từ màu trắng sang màu đen) người nuôi sẽ cho ra tráng lưới để ốc nở và thích nghi dần với môi trường tự nhiên. Nuôi tiếp 15 ngày ốc con phát triển to bằng đầu đũa có thể xuất bán giống hoặc chuyển ra ao to nuôi thương phẩm.

Về ốc nhồi thương phẩm, anh Thuận cho biết khoảng hơn 3 tháng tính từ khi thả ốc giống ra ao lớn là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, nếu người nuôi kéo dài đến 4-4,5 tháng thì chất lượng ốc sẽ nâng lên, già hơn, ngon hơn và to hơn.

Bà con nông dân các địa phương ai có nhu cầu tìm hiểu cách chống nóng cho con ốc nhồi hiệu quả, cũng như kỹ thuật nuôi ốc nhồi, tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi con ốc nhồi tại Ninh Bình có thể liên hệ trực tiếp tới anh Lã Phú Thuận (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), số điện thoại: 033.557.6122