Theo chương trình Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để thảo luận về nội dung nêu trên. Tại phiên thảo luận này, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó vào ngày 25/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kinh tế -xã hội. Tại phiên thảo luận tại tổ này đã có nhiều ý kiến phát biểu rất đáng chú ý.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã nêu thực tế, hiện nay ở nhiều nơi có tình trạng "đóng băng" trong hành động. Nhiều cán bộ trong khu vực hành chính công mặc dù được thúc đẩy rất quyết liệt, nhưng không dám mạnh dạn giải quyết công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Nhiều cán bộ có tâm lý e ngại, không dám quyết liệt xử lý bởi vướng những quy định hiện hành khiến nhiều thủ tục ách tắc, vận hành của khu vực hành chính công bị đình trệ.
Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng khó khăn khi một phần hoạt động của họ phải phụ thuộc vào các quyết định hành chính.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi phát biểu tại tổ đã nói: Đất nước đang rất khó khăn nhưng có tình trạng đùn đẩy, né tránh như vậy làm cản trở sợ phát triển, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước. Bà khẳng định, đây chính là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
"Chúng ta phải khẳng định như vậy và có thái độ rất rõ ràng. Chúng ta không thể bênh, bao che các biểu hiện này trong bối cảnh hiện nay. Đất nước đang rất khó khăn nhưng có tình trạng như vậy làm cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước ta. Tình trạng này làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đồng thời cho biết, ngành đã có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho để giải quyết vấn đề trên.
Nói về vấn đề liên quan đến điện, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, sản xuất điện trong nước như điện gió, điện mặt trời còn chưa khai thác, tận dụng. Năng lượng mặt trời, gió mãi mới đưa vào Quy hoạch điện VIII mà sao không đưa vào Quy hoạch điện VII. Điện gió, điện mặt trời bây giờ sản xuất thừa nhưng doanh nghiệp không thể đấu nối hòa mạng. Lãng phí thế ai chịu trách nhiệm?
Còn ĐBQH Tạ Thị Yên cho rằng: Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo và khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh điện liên tục thua lỗ và khoản lỗ lên tới hơn 26.000 tỷ đồng. Vậy cùng một hệ sinh thái, tại sao công ty "mẹ" báo lỗ mà các công ty "con" vẫn báo lãi cao trong năm 2022? Nguyên nhân khoản lỗ này là ở đâu? Ngoài ra, EVN kêu thiếu điện nhưng việc đàm phán điện gió, điện mặt trời bao lâu rồi vẫn chưa ngã ngũ, vô hình chung tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn...