Dân Việt

Quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ bị xử phạt

Quang Minh - Văn Hoàng - Kim Thư 08/06/2023 11:00 GMT+7
Theo luật sư, người thực hiện hành vi vi phạm về quảng cáo, đưa ra thông tin sai sự thật về xuất xứ, công dụng, hiệu quả của thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (hay còn gọi là thực phẩm chức năng) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Không được quảng cáo gây hiểu lầm

Vừa qua, Báo Điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về một số cá nhân dùng nhiều cách thổi phồng công dụng của dòng sản phẩm Smart A để bán hàng. Từ một thực phẩm bổ sung chỉ cần nộp bản tự công bố đến Sở Y tế, sản phẩm này được tư vấn có thể xử lý nhiều loại bệnh. 

Thậm chí, những người bán hàng hay quảng bá cho Smart A còn sử dụng hình ảnh bác sỹ, bệnh viện để tăng lòng tin của người bệnh. 

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, hành vi giả mạo bác sĩ, cơ sở y tế để bán thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hành vi tán tận lương tâm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể xử lý bằng chế tài hình sự.

Các quy định đều nêu rõ, thuốc và thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là khác nhau, có công dụng vào mục đích sử dụng khác nhau. Thuốc là để chữa bệnh còn thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức cá nhân quảng cáo mập mờ, đánh tráo khái niệm, quảng cáo thực phẩm chức năng giống như các loại thuốc thần dược, có thể chữa bách bệnh.

 "Nổ", quảng cáo sai sự thật về sản phẩm chữa ung thư có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Sản phẩm Smart A V5 được quảng cáo rầm rộ trên các nhóm hội, mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm thì việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định cụ thể: Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.

Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. 

Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền; Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này; Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

Người thực hiện hành vi vi phạm về quảng cáo, đưa ra thông tin sai sự thật về xuất xứ, công dụng, hiệu quả của thuốc và thực phẩm chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng tình huống cụ thể. 

Đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại sử dụng thông tin hình ảnh của bác sĩ, nhân viên y tế hoặc thông tin địa chỉ của cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân... mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị phạt đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điều 52 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP. 

 "Nổ", quảng cáo sai sự thật về sản phẩm chữa ung thư có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội).

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Quảng cáo gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu hình sự

Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết thêm, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra còn phải buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin.

Về căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự, các đối tượng mà quảng cáo sai sự thật, gian dối về hàng hóa, dịch vụ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự quy định về "Tội quảng cáo gian dối". 

Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng". 

Như vậy, theo luật sư Tùng, bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Trong vụ việc mà Báo điện tử Dân Việt nêu, cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không việc mượn danh bác sỹ, giả mạo bác sỹ hay thậm chí mượn danh các bệnh viện để tìm cách bán thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng.

Trường hợp người nào mạo danh bác sĩ để bán sản phẩm nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tù chung thân, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.

 "Nổ", quảng cáo sai sự thật về sản phẩm chữa ung thư có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa.

Đặc biệt, đối với trường hợp mạo danh bác sĩ và lấy danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Luật Quảng cáo quy định rất rõ việc cấm các mạo danh người khác, cấm sử dụng hình ảnh y bác sĩ để quảng cáo cho thực phẩm chức năng, thuốc. 

Việc đưa thông tin không có thật thông qua mạng Internet, quảng cáo trên các nền tảng như Tiktok, Facebook tạo niềm tin cho khách hàng, bán nhiều sản phẩm thu lợi bất chính là tình tiết tăng nặng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Về quyền lợi của khách hàng, theo quy định tại Luật bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẽ được xem xét hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong khi đó, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho hay, việc điều trị ung thư gồm rất nhiều phương pháp phức tạp, rồi các bác sĩ phải có thăm khám, đưa ra những đánh giá, loại thuốc nào phù hợp với loại ung thư gan, loại nào phù hợp với ung thư phổi… Người bệnh bị ung thư cũng có thể gặp phải các biến chứng.

Đối với thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng không nằm trong danh mục của Bộ Y tế, chuyên môn điều trị ung thư chung trên thế giới, có thể sẽ gây nguy hại cho người bệnh, gây chậm trễ quá trình điều trị. 

"Bởi vậy, cá nhân tôi không yên tâm khi người bệnh sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng để điều trị ung thư và coi đó là giải pháp duy nhất", giáo sư Hùng chia sẻ.

Theo GS.BS Hùng, hiện nay, việc điều trị ung thư có nhiều tiến bộ, có nhiều điểm tươi sáng. Phương pháp điều trị, chẩn đoán đối với người bệnh rất tốt. Vì vậy, đối với người bệnh, cần phải đến các bệnh viện, các cơ sở ung bướu thăm khám điều trị.