Người mẹ vòng tay ôm con gái rồi im lặng, không biết phải nói gì lúc này. Về lý trí và lý thuyết, chị Mai biết mình cần nói với con rằng: "Rớt cũng không sao" nhưng chị lại nghẹn ở cổ họng bởi đó không phải là điều chị nghĩ.
Và dù chị có vỗ về "không sao" đi nữa thì cũng không làm nguôi được những áp lực mà con đang đối diện phía trước.
Quay như chong chóng theo lịch học của con
Gia đình chị Hoàng Thị Mai ngụ ở Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TPHCM. Con gái chị học tại một trường cấp 2 gần nhà, chỉ còn vài ngày nữa cháu sẽ bước vào kỳ thi lớp 10, cố gắng giành một suất học ở trường THPT công lập.
Kỳ thi chỉ diễn ra trong hai ngày nhưng với gia đình chị nó quyết định cả hành trình học tập 9 năm qua của con. Duyên, con gái chị Mai có học lực tốt, học hành nghiêm túc từ bé. Cách đây hai năm, vợ chồng chị và con đã bắt đầu lên mục tiêu, kế hoạch và ôn luyện cho kỳ thi lớp 10.
Chị Mai kể, từ đầu năm lớp 8, cháu đã tham gia học thêm tại nhà một số giáo viên luyện thi có tiếng tuần 3 buổi cho cả 3 môn toán, văn, Anh trong kỳ thi này. Khi vào lớp 9, lịch học thêm tăng lên gấp 3, mỗi môn 3 buổi và sau này cháu ôn thêm môn sinh để thi chuyên.
Cả năm qua, vợ chồng chị quay như chong chóng đưa đón theo lịch học của con. Gần đây phải tăng ca học, nhiều đêm 10h cháu mới rời lớp, về đến nhà gần 11h, ăn đêm rồi lại ngồi vào bàn học. Việc con thức học đến 12h đêm hay đến tận 1 giờ sáng hôm sau là thường xuyên.
Người mẹ thẳng thắn cho hay, vợ chồng chị chưa khi nào nghĩ đến tình huống con rớt lớp 10. Chị chưa từng hình dung đến các phương án con học nghề, học tư thục, học giáo dục thường xuyên hay những lối đi khác ngoài việc học lớp 10.
"Con tôi một mạch từ lớp 1 đến lớp 9, chỉ học và học, đã bao giờ dừng lại để nghĩ mình sẽ học nghề gì ở tuổi 15 đâu. Không thể! Còn tư thục thì rất ít trường để lựa chọn cũng như vượt quá khả năng tài chính của gia đình", chị Mai nói.
Con đường đó, hoàn cảnh đó cùng kỳ vọng của bố mẹ và của chính bản thân... tất cả dồn lên cháu. Những căng thẳng gần đây biểu hiện rõ qua việc cháu mất ngủ, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, sợ hãi...
Và khi Duyên khóc nức nở lúc 1 giờ sáng, hỏi: "Con rớt lớp 10, má ổn chứ?" như vỡ òa những căng thẳng dồn nén lâu nay. Nhưng kể cả đến lúc đó, trong tình huống thi rớt, điều cô con gái quan tâm nhất vẫn là: "Má ổn chứ?".
Chỉ có một con đường là phải đỗ
Duyên sẽ là một trong hơn 96.000 học sinh tại TPHCM tham dự vào kỳ thi vào lớp 10 vào ngày 6 và 7/6 sắp tới để chọn ra hơn 77.300 em. Chỉ tiêu chỉ có vậy, thế nào đi chăng nữa cũng sẽ có gần 20.000 thí sinh rớt khỏi kỳ thi này.
Thi vào lớp 10 được xem là kỳ thi khốc liệt và căng thẳng bật nhất với học sinh và cả phụ huynh. Không chỉ vì chỉ tiêu có hạn mà còn ở chỗ, ngoài năng lực, kỳ thi này còn phụ thuộc vào yếu tố may rủi khi đặt nguyện vọng. Nhiều học sinh có năng lực học tốt vẫn có thể rớt khi chọn nguyện vọng không phù hợp hoặc trường các em đăng ký có sự biến động bất ngờ.
Em Nguyễn Ngọc Hà, học sinh lớp 9 ở quận Bình Tân, TPHCM cho biết nhiều tuần qua, em ăn uống ngay bên bàn học, tất cả mọi thứ bố mẹ đưa đến tận nơi. Từ lớp học về, lại ngồi vào bàn, nhiều hôm Hà ngồi luyện đề đến khi đồng hồ đã nhích sang ngày mới.
Hà cho biết, từ lâu bản thân em và bố mẹ đã vạch ra con đường sẽ học lớp 10 trường này trường kia, bố mẹ bàn chuyện đón đưa thế nào, còn lên cả phương án chuyển nhà đến gần trường. Chưa khi nào tình huống "thi rớt" được đưa ra bàn luận.
Hà từng nhiều lần rất muốn nói với bố mẹ "nếu con thi rớt" nhưng không thể nào thốt ra lời...
"Đỗ" là mục tiêu đã được lập trình sẵn cho em. Em không biết nếu chuyện đó (thi rớt) ra xảy ra, em sẽ phải đối mặt như thế nào...", nữ sinh lo lắng.
M.L., đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Thủ Đức. Khi thấy con học hành căng thẳng, mẹ L. là một giáo viên từng nói "rớt thì tính cách khác" giúp cậu thấy vơi đi áp lực phần nào.
Nhưng thực tế, cậu nhận ra mẹ mình nói vậy nhưng không nghĩ vậy. L. từng hỏi, nếu con rớt lớp 10 sẽ học tư thục hay học nghề, giáo dục thường xuyên thì cả mẹ và bố nổi cơn thịnh nộ.
Họ chửi bới, chì chiết, kể công lao nuôi con ăn học 9 năm tốn cả tỷ đồng, thi lớp 10 mà không đỗ thì làm được tích sự gì. Trong khi tức giận, mẹ gào vào mặt L.: "Mày phải đỗ, nghe rõ chưa! Bắt buộc phải đỗ!".
Nhiều đêm, L. ngủ gục trên bàn học. Có khi em mơ thấy mình tung tăng với bạn trên sân trường nhưng có khi em thấy mình ngồi trong phòng thi, không làm kịp bài, giám thị thì giục...
Kỳ thi này, áp lực và kỳ vọng đó quá khốc liệt với học trò tuổi 15.
Bà Nguyễn Minh Anh, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở TPHCM chia sẻ, học sinh thi lớp 10 rơi vào căng thẳng vì các em chỉ được chỉ ra một con đường, còn những lối đi khác đều bị bịt lại.
Trong cuộc sống hàng ngày bố mẹ thường chỉ nghĩ, nói, trao đổi về các phương án cho việc thành công, ít gia đình chuẩn bị cho con đối mặt với thất bại . Cùng với kỳ thi lớp 10, các phương án như học tư thục, học nghề, học giáo dục thường xuyên... lẽ ra được gia đình lên kế hoạch, trao đổi với con từ sớm. Điều này tạo cho trẻ tâm lý vững vàng, yên tâm mình có nhiều lựa chọn, không để một kỳ thi quyết định số phận của bản thân.
Tuy nhiên, theo bà Anh, đây không chỉ là câu chuyện của gia đình mà câu chuyện của vấn đề hướng nghiệp. Kỳ thi lớp 10 "loại" nhiều học sinh bước tiếp con đường học hành thông thường nhất các em gắn bó từ bé nhưng trước đó phụ huynh, học sinh ít được hướng nghiệp hiệu quả về những lựa chọn khác. Vậy là tất cả phải cùng "quăng" mình, gửi gắm hết vào cuộc đua được mất này.