Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh của những trường “đình đám” đào tạo ngành Luật

Mộc An Thứ tư, ngày 31/05/2023 15:53 PM (GMT+7)
Đa số trường đào tạo ngành Luật tuyển sinh năm 2023 bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có lợi thế khi sử dụng để xét tuyển năm nay.
Bình luận 0

Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2023, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển 2.500 chỉ tiêu cho 4 ngành Luật, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh với 5 phương thức gồm xét tuyển thẳng; xét tuyển các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc THPT đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 (theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành); xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương (áp dụng đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào chương trình liên kết với Đại học Arizona, Mỹ).


Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh của những trường “đình đám” đào tạo ngành Luật  - Ảnh 1.

Sinh viên Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: Ulaw

Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển sinh tổng 945 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Luật tuyển 381 thí sinh, ngành Luật (đào tạo chất lượng cao) tuyển 241 chỉ tiêu. Ngành Luật kinh doanh tuyển 222 chỉ tiêu, 101 là chỉ tiêu của ngành Luật thương mại quốc tế, với 8 phương thức xét tuyển, bao gồm: cét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo đề án của Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; xét tuyển thí sinh là học sinh các trường dự bị đại học; xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Năm 2023, Học viện Tòa án tuyển tổng 360 chỉ tiêu (giữ nguyên so với năm ngoái) cho ngành Luật. Các phương thức tuyển sinh của trường bao gồm: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (các tổ hợp xét tuyển gồm: A00, A01, C00 và D01); xét tuyển dựa trên kết quả học tập đối với thí sinh tốt nghiệp bậc THPT năm 2023; xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện Tòa án phải đáp ứng điều kiện chung theo qy định của Bộ GDĐT và một số điều kiện sau: Thí sinh không quá 25 tuổi; có phẩm chất đạo đức tốt, có lịch sử chính trị rõ ràng, tuyệt đối trung thành và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thí sinh có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ các vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực giao thông).

Về tiêu chuẩn sức khỏe, thí sinh phải có đủ sức khỏe để học tập. Thí sinh nam phải có chiều cao 1,6m trở lên, nặng 48kg trở lên. Thí sinh nữ cao từ 1,55m trở lên, nặng từ 45kg trở lên. Thí sinh không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mạn tính.

Năm 2023, Trường Đại học Kiểm sát tuyển sinh tổng 450 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát tuyển 350 chỉ tiêu, ngành Luật - chuyên ngành Luật thương mại tuyển 100 chỉ tiêu.

Phương thức xét tuyển trình độ đại học ngành Luật - Chuyên ngành Kiểm sát gồm kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả học tập THPT của thí sinh học tại trường THPT chuyên hoặc có hệ thống lớp chuyên trực thuộc đại học, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...; kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả học tập THPT của thí sinh học trường THPT; kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả học tập THPT và điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Nga TPKH-2; kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả học THPT và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh; kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đối với ngành Luật - chuyên ngành Luật thương mại, có phương thức tuyển sinh bao gồm: xét kết quả học tập, hạnh kiểm THPT năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023.

Trường Đại học Luật TP.HCM vẫn giữ nguyên 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm (tối thiểu là 40%/tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (tối thiểu là 60%/tổng chỉ tiêu). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Luật TP.HCM là 2.100.

Ngành Luật có số chỉ tiêu cao nhất - 1.430 chỉ tiêu. Các ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Quản trị - Luật, Luật Thương mại quốc tế có 100-300 chỉ tiêu.

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM tuyển 300 chỉ tiêu ngành Luật (chuyên ngành Luật dân sự, Luật tài chính - ngân hàng, Luật và Chính sách công);  320 chỉ tiêu ngành Luật kinh tế (chuyên ngành Luật kinh doanh, Luật thương mại quốc tế, Luật thương mại quốc tế (tiếng Anh). 5 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2023; xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL…) kết hợp với kết quả học THPT hoặc có chứng chỉ SAT, ACT hoặc bằng tú tài quốc tế (IB) chứng chỉ A-level.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem