Dân Việt

Thứ cây mọc quả trên thân "trồng lung tung" trong vườn, nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu bẻ là bán hết

Song Bình 02/06/2023 05:12 GMT+7
Việc thay đổi thói quen trồng, chăm sóc đã giúp cây ca cao phát triển bền vững ở Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trái ca cao có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người trồng ca cao tăng thu nhập.

Trồng ca cao theo hướng hữu cơ

Giá cả thấp, đầu ra không ổn định nên năm 2019, ông Trần Như Phong (ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từng có ý định chặt bỏ vườn ca cao. 

Tuy nhiên, khi tham gia tập huấn chuyển giao kỹ thuật, lại có sự hỗ trợ từ Công ty TNHH TM-DV-SX ca cao Thành Đạt về giống, vốn, bao tiêu sản phẩm, ông Phong yên tâm khôi phục lại vườn ca cao. 

Ông cũng thay đổi phương pháp trồng truyền thống sang canh tác bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, trong số 2ha trồng ca cao xen với điều, tiêu có 1,2ha đang cho thu hoạch ổn định 15 tấn trái ca cao tươi/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng ca cao theo phương pháp truyền thống.img

Vườn trồng ca cao của gia đình ông Trương Ngọc Lân (trái), nông dân trồng cây ca cao ở ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Là địa phương có diện tích ca cao lớn nhất tỉnh với hơn 360ha, huyện Châu Đức đã triển khai nhiều giải pháp tăng giá trị cho cây trồng này. 

Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Công ty TNHH TM-DV- SX ca cao Thành Đạt xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nông dân được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, đầu ra nên yên tâm sản xuất, thu nhập từ cây ca cao cũng được tăng cao.

Ông Trương Ngọc Lân (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng quy trình trồng ca cao hữu cơ cho biết, cây ca cao trồng theo hướng hữu cơ ra hoa đều, tỷ lệ đậu trái cao và đạt chất lượng tốt, trái đồng đều.

Hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 500ha diện tích cây ca cao, tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trở về trước. Trước nhu cầu tiêu thụ ca cao ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức lên 650ha, trong đó xây dựng 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Lãnh đạo huyện Châu Đức cho biết, xác định ca cao là cây trồng chủ lực, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu trồng 70ha cây ca cao trong năm 2023 cho các xã-thị trấn. Bên cạnh đó, huyện cũng nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi nhiều DN hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân.

Trên phạm vi toàn tỉnh, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, để phát triển bền vững cây ca cao, tỉnh ổn định diện tích khoảng 600ha và đi theo hướng sản xuất chứng nhận và liên kết. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường kết nối các DN thu mua, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm ca cao của tỉnh đã được nhiều thị trường trên thế giới đánh giá cao vì hương vị thơm ngon đặc trưng, được xếp trong top 100 loại ca cao ngon nhất thế giới và đã chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và châu Âu.