Anh Nguyễn Ngọc Chương, Thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đang dạo thăm vườn sầu riêng đang ra hoa và bắt đầu kết trái non. Đất Lộc Phú vốn là đất chè, đất cà phê, bà con quen với hai loại cây phổ biến này từ nhiều năm. Thời gian gần đây, nông dân Lộc Phú bắt đầu trồng một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Với gia đình anh Chương, vườn sầu riêng của gia đình có thể coi là một khởi đầu thành công.
Anh Nguyễn Ngọc Chương kể lại, năm 2017, anh quyết tâm cải tạo lại mảnh đất 6 ha trồng cà phê già cỗi của gia đình. Suy tính kỹ càng, đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trồng cây quanh khu vực cũng như các địa phương khác, anh Chương quyết định trục hết gốc cà phê, xuống giống trồng sầu riêng. Anh Chương xác định, đã trồng sầu riêng với quy mô lớn thì cần phải có kế hoạch canh tác khoa học ngay từ ban đầu. Bởi vậy, anh đào hố, xuống giống đồng loạt 1.200 cây sầu riêng giống Monthon từ đơn vị cung cấp giống uy tín. Đồng thời, anh áp dụng một quy trình trồng chuẩn trên toàn vườn.
Anh Chương chia sẻ: “Yêu cầu của thị trường khi nông dân cung ứng số lượng lớn là chất lượng phải đồng đều, không chênh lệch. Vì vậy, tôi áp dụng quy trình canh tác đồng loạt trong vườn, đảm bảo cây lớn đều, độ cao đều và cho trái đều, đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng”. Kết quả cho thấy, trên 1.000 gốc sầu riêng phát triển rất đều, chiều cao, cành, gốc đều đạt.
Để đạt kết quả tốt, vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chương được đảm bảo một chế độ chăm sóc đúng quy trình. Cây trồng đảm bảo khoảng cách 6 x 10 m, khi cây cao 4 m là “cấm” ngọn, giúp cây phát triển các cành ngang. Anh Chương làm chồi thường xuyên, tránh để cây mọc cao, vọt ngọn, năng suất vừa thấp, vừa khó thu hoạch. Toàn vườn để cỏ mọc, chỉ làm cỏ bằng cách dùng máy phát cỏ sát đất, vun vào gốc sầu riêng để giữ ẩm.
Anh Chương chia sẻ: “Trồng sầu riêng phải chú ý tới bộ rễ, chăm rễ tốt thì bộ lá xanh, cây khỏe, ít bệnh. Như cây sầu riêng rất ưa phân hữu cơ, cần cung cấp một lượng phân hữu cơ lớn. Đồng thời, chú ý tới con nhện đỏ hút chích gây rụng lá. Ngoài ra, vào mùa cần dưỡng hoa, xử lý nấm thật kỹ là đảm bảo có thu hoạch tốt”.
Năm 2022, lúc vườn sầu riêng ở năm thứ 5, anh Nguyễn Ngọc Chương mới để cây ra trái bói với sản lượng 1 - 2 trái/cây. Những năm trước, khi sầu riêng ra hoa, anh đều ngắt sạch, đảm bảo cây duy trì dinh dưỡng để sinh trưởng. Vụ đầu tiên, anh thu được 30 tấn trái, giá 35 ngàn đồng/kg và thương lái vào tận vườn để thu hoạch.
Vụ sầu riêng năm 2023, anh cho biết cây ra hoa rất đều, đẹp, anh dự tính thu khoảng 9 - 10 kg/gốc, tổng sản lượng khoảng 100 tấn. Mỗi cây, anh sẽ để trung bình 3 - 4 trái, đây là lượng trái rất ít, đảm bảo cây sung, khỏe.
Theo anh Chương, cây sầu riêng càng nhiều tuổi, năng suất càng cao và vỏ trái càng mỏng, thịt thơm, ngọt. Những năm về sau, anh sẽ tăng dần năng suất lên theo mức độ trưởng thành của cây.
Định hướng trồng sầu riêng theo mô hình quy mô lớn, trồng cây bền vững, anh Nguyễn Ngọc Chương xác định sản phẩm sầu riêng của vườn là sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo anh Chương, cây sầu riêng trồng tại Lộc Phú có ưu điểm là ra hoa chậm, kết quả trễ và chín muộn.
Hiện tại, khi nhiều vùng đã cho trái rộ thì Lộc Phú cây mới ra hoa, kết trái non. Trái sầu riêng sẽ chín vào khoảng giữa tháng 8 âm lịch, vào dịp Trung thu. Khi ấy, hầu hết các địa phương khác đã thu hoạch xong, đang chăm để chuẩn bị ra hoa vụ mới.
Tuy nhiên, anh Chương cũng khuyến cáo bà con: “Một cây sầu riêng từ khi xuống giống tới khi ra trái bói, chi phí phải xấp xỉ 2 triệu đồng, một số tiền không nhỏ. Vì vậy, khi trồng sầu riêng, bà con cần chú ý chọn giống chuẩn, chăm sóc đúng kỹ thuật mới không gặp rủi ro”.
Ông Bùi Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú đánh giá, vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chương là vườn có quy mô lớn đầu tiên trong xã. Vườn được trồng bài bản, đầu tư đầy đủ và quy trình canh tác chuẩn, với sự tư vấn của các cán bộ nông nghiệp. Anh Nguyễn Ngọc Chương cũng đang phối hợp với xã Lộc Phú để xây dựng sản phẩm sầu riêng trở thành sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu trái cây cho xã vùng xa của mảnh đất Bảo Lâm.