Chúng tôi đến trang trại gà của anh Phạm Văn Chính ở xóm Nhân Tiến xã Tiến Thành thấy anh đang ngồi bệt dưới đất, bó gối thẫn thờ như người mất hồn. Anh Chính cho biết, gia đình anh đã phải "gồng lỗ" từ năm ngoái tới nay. Dù lỗ nhưng anh vẫn phải tái đàn vì đầu tư chuồng rất tốn kém mà không hoạt động thì xuống cấp rất nhanh.
Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá gà thì không những không tăng tương ứng mà còn rớt giá thê thảm. Hiện 1 bao cám 25kg giá 360.000 đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Trong khi đó giá gà hiện nay là 38.000 – 40.000 đồng/kg. Giá gà thịt phải đạt 70.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi.
"Từ đầu năm đến nay tôi lỗ cả tỷ đồng rồi. Trang trại của tôi đầu năm đã có thời điểm bất đắc dĩ phải cho gà ăn cầm chừng hoặc nhịn đói 1 - 2 ngày. Nhưng hiện nay tiền mua cám đắt hơn tiền bán gà nên tôi chán nản cũng không muốn cho gà ăn nữa. Giờ ngân hàng họ giục trả lãi suốt, không biết gia đình chúng tôi sống ra làm sao đây" - anh Chính than thở.
Trai trại gà quy mô hơn 10.000 con của chị Trần Thị Mai kế bên cũng đang điêu đứng như ngồi trên đống lửa. Chị cho biết không chỉ lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà còn lỗ vì lãi suất ngân hàng cũng tăng. Bên cạnh đó, mọi chi phí khác trong quá trình chăn nuôi như thuốc men, điện nước, nhân công cũng có chiều hướng tăng khiến việc duy trì trang trại càng thêm khó.
Hiện nay, xã Tiến Thành có 50 trang trại, gia trại lớn nhỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Phan Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực trạng thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao, gà rớt giá, đầu ra khó khăn đã khiến cho các hộ dân lao đao vì khi xây dựng trang trại, hầu hết mọi người đều phải vay vốn. Thời điểm vay để đầu tư, lãi suất thấp nên tính toán thấy có lời, nhưng giờ lãi ngân hàng đã tăng nên lỗ càng thêm lỗ.
Hiện nay, trên địa bàn xã không chỉ những trang trại nuôi gà, mà những hộ chăn nuôi lợn cũng cùng chung cảnh ngộ.
Tại xã Mã Thành thời điểm này không khí chăn nuôi cũng rất ảm đạm. Đứng trước trang trại gà xác xơ, anh Trần Mạnh Linh ở xóm Đồng Bàu cho biết: Xã Tiến Thành được tách ra từ xã Mã Thành, nên gia đình anh có 2 trang trại chăn nuôi gà ở hai xã. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay việc chăn nuôi gà của gia đình anh liên tiếp lỗ nặng.
"Sức cùng lực kiệt, chả còn tiền mua cám nên tôi cứ để mặc kệ cho gà chết rồi đem đi chôn. Chôn hết rồi. Giờ nợ nần chồng chất, tui giờ chẳng biết làm sao đây nữa" - anh Linh rơm rớm nước mắt nói.
Ông Trần Đình Cảnh - Chủ tịch UBND xã xác nhận trên địa bàn có 40 trang trại, gia trại. Nhiều hộ chăn nuôi do thức ăn tăng cao, gà rớt giá thảm hại nên đã mặc cho gà chết hàng loạt. Nhiều hộ đã vỡ nợ thê thảm hàng tỷ đồng.
"Hai xã Tiến Thành và Mã Thành là vùng đất cao cưỡng, hạn hán quanh năm, trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp luôn thất bát. Giờ chăn nuôi cũng thất bại thì cuộc sống của người dân bị đảo lộn và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy" - ông Cảnh cho biết.
Quả thật, chúng tôi đến một số trang trại tại hai xã này và chứng kiến cảnh trời nắng nóng trên 40 độ C nhưng hệ thống làm mát đã bị rút điện, cứ chốc chốc lại thấy những con gà lăn đùng ra chết. Chúng tôi kinh hãi, hỏi đó có phải là dịch bệnh không?
Những chủ trang trại đều khẳng định, nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh; gà rớt giá; nhu cầu tiêu thụ gà của các nhà hàng, quán ăn hay kể cả trong dân cũng xuống rất thấp, đầu ra rất khó khăn. Trong khi đó, giờ cho gà ăn vài ngày thì tiền thức ăn cao hơn tiền bán gà nên mới xảy ra thực trạng đau lòng trên. Người nuôi gà chỉ còn nước giải tán chuồng.
Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Mong muốn của chính quyền cũng như bà con là các công ty thức ăn chăn nuôi tính toán lại giá thành thức ăn gia súc gia cầm để chia sẻ với hộ chăn nuôi, tiến tới tái đàn và ổn định sản xuất. Bởi, những trang trại lớn mỗi lần nhập cám là kinh phí lên tới vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, vì vậy người chăn nuôi trở tay không kịp.
"Tiếp đó là đề xuất ngân hàng giảm lãi suất, hoặc có biện pháp gia hạn, không thì bà con nguy mất. Ngoài ra, chúng tôi, đã phối hợp với Hội nông dân tích cực tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho bà con, và báo cáo lên cấp trên xin ý kiến tham mưu, chỉ đạo" - ông Vũ nói.
Trao đổi vấn đề này ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết. Hiện nay, các hộ chăn nuôi điêu đứng không chỉ riêng hai xã Tiến Thành và Mã Thành mà xảy ra trên địa bàn toàn huyện. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh có sự can thiệp ở tầng vĩ mô.
Ngoài ra ông Hồng cũng khuyến cáo các địa phương không nên chăn nuôi tràn lan, tự phát, cần phải có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, nhất là ở các vùng chăn nuôi lợn, gà hàng hóa trọng điểm.
Về chăn nuôi nói chung phải theo quy hoạch, định hướng và bám sát nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng phát triển "nóng", được mùa mất giá hoặc khan hàng, tăng giá như đã từng xảy ra.
"Trước những khó khăn, biến động, hiện nay, nông dân cần chủ động hơn trong sản xuất, liên kết với nhau để tập trung nguồn lực, sản xuất theo hướng tuần hoàn, chuỗi giá trị để tối ưu chi phí" - ông Lê Văn Hồng nói.