Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, địa phương đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả tối ưu cho sản phẩm thủy sản của tỉnh.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đến năm 2025 đạt 4.000 ha, với sản lượng tôm đạt 144.000 tấn; đến năm 2030, phát triển khoảng 5.800 ha, với sản lượng đạt 208.800 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển, gồm Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri.
Đặc biệt, đến năm 2030, tỉnh hình thành được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư, với quy mô 3.350 ha tập trung ở huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Đồng thời, Bến Tre tận dụng cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, để phát triển khu vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có quy mô trang trại,hộ gia đình có diện tích từ 2-10 ha tại các huyện Bình Đại, huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phú.
Ông Nguyễn Văn Buội thông tin, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, với mục tiêu mỗi huyện thành lập 1 hợp tác xã nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đạt 100 tỷ đồng/hợp tác xã.
Cùng đó, tỉnh tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất 3 vùng tập trung, gồm 100 ha tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, 300 ha tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại và 100 ha tại các xã Giao Thạnh, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Đồng thời, Bến Tre đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm nước lợ tập trung; ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ kênh thống cấp, thoát đối với các vùng nuôi tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Hiên nay, tỉnh đã và đang thực hiện đầu tư hạ tầng cho 2 vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung tại hai huyện Ba Tri và Bình Đại, với tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng.
Mặt khác, tỉnh Bến Tre khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống tôm biển trên địa bàn tỉnh; thu hút, kêu gọi đầu tư mới trại sản xuất giống tôm biển tại các khu sản xuất giống tập trung, đảm bảo đến năm 2025, có 60% (tương đương 15 tỷ con tôm giống) giống tôm biến đạt chất lượng cao cung cấp cho người dân, doanh nghiệp nuôi trên địa bàn tỉnh; đến năm 2030, sản xuất tôm giống đạt 20 tỷ con (đạt 70%) nhu cầu của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, gần đây, việc đầu tư cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân từng lúc được nâng cao. Người nuôi không ngừng tìm kiếm, tư duy sáng tạo, đổi mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất. giá trị con tôm nước lợ.
Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao mới được áp dụng như: nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, nuôi tôm trong ao lót bạt, nuôi có lưới che, nuôi trong nhà kính…, đặc biệt nhất là mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua.
Hệ thống tạo oxy trong ao nuôi tôm công nghệ cao đang được đầu tư ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho hay, một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ đó là sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Với diện tích ban đầu từ 550 ha và năm 2018, đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đạt 2.567 ha, năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 42.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỉ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.
Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), có hơn 40 ha nuôi tôm công nghệ cao cho hay, ông thu hoạch trung bình năng suất tôm đạt 70-90 tấn/ha, mỗi năm thu lợi hơn 25 tỷ đồng.
Theo ông Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản.
Tại Bến Tre, phần lớn nguồn vốn để phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao từ doanh nghiệp và hộ dân với nhu cầu vốn để sản xuất nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ước tính 2.053 tỷ đồng. Trên cơ sở các chính sách về vay vốn để nuôi ứng dụng công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre hàng tháng, quý, năm đề nghị địa phương đề xuất nhu cầu vay vốn đối với các hợp tác, tổ chức cá nhân.
Qua đó, giai đoạn 2021-2022, ngân hàng Nhà nước tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ trên địa bàn tỉnh vay 934 tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất con giống ngày càng được nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh Bến Tre có 56 trại sản xuất ương dưỡng giống tôm, với tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 6 tỷ con giống/năm, trong đó có 3 trại sản xuất giống quy mô lớn. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã cấp chứng nhận doanh nghiệp sản xuất giống công nghệ cao đối với công ty TNHH Việt - Úc Bến Tre.