Vì sao làng quê nơi sinh ra bà Nguyễn Thị Định ở Bến Tre lại mang tên Moncađa là tiếng Cu Ba?
Vì sao làng quê nơi sinh ra nữ tướng có bí danh H3 ở Bến Tre lại mang tên Moncađa là tiếng Cu Ba?
Thứ bảy, ngày 15/04/2023 05:07 AM (GMT+7)
Thoáng mới đó mà đã 30 năm, ngày vị Nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định ra đi (26-8-1992 - 26-8-2022). Cũng như mọi năm, tại làng Moncađa - Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), quê hương sinh ra bà và những nơi thờ tự khác khói hương tưởng niệm và tôn vinh vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như một nhân thần.
Nhiều người bảo chị Ba, cô Ba, bà Ba... đã ra đi trong niềm kính yêu và thương tiếc vô hạn. Bà chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc của một người vợ, một người mẹ, một người bà.
Bởi vì, bà đã từng nói: “Đời tôi mang ba mối hận: hận mất nước, cái này tôi tin có ngày rửa được dù gian khổ đến đâu. Còn hai mối hận mất chồng và mất con, thôi thì mãi mãi là một niềm đau…”. (3 mối hận đó chính là cái tên H3 bí danh của bà (3 Hận) được dùng từ trước cho đến khi cuộc Đồng khởi nổ ra năm 1960).
Sức chịu đựng của bà thật phi thường! Bà đã vượt lên trên hết, đã dồn tất cả tâm trí, sức lực cho đất nước; dành tất cả yêu thương cho những người gặp khó khăn, khổ hạnh, bà đã sống bằng hết thảy tình người, sống một cách vinh hiển và chết linh thiêng...
Dòng sông Lương Hòa gắn bó với tuổi thơ cô Ba Định, tức nữ tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định, quê ở làng Moncađa - Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) . Ảnh: Tư liệu
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-5-1920, là con út trong một gia đình trung lưu đông anh chị em. Bà tham gia cách mạng từ rất sớm (năm 1936) và đã được kết nạp vào Đảng chỉ 2 năm sau đó.
Sau 3 năm bị địch bắt tù đày, bà liên tục hoạt động với mức độ kiên cường cho đến khi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Năm 1960, với cuộc Đồng khởi lịch sử, bà là một trong những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào. Từ đây, tên tuổi của bà gắn liền với phương thức đánh địch bằng “3 mũi giáp công”, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của “Đội quân tóc dài” gắn liền với du kích chiến tranh của nhân dân ta.
Tháng 5-1961, khi vừa hoàn thành thắng lợi cuộc Đồng khởi thần kỳ và đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bà Định được bầu vào Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8. Năm 1965, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam.
Cũng trong năm ấy, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang gặp Bộ Tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Chỉ huy phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói thêm: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ. Bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam sau đó ít lâu và được giao giữ chức Phó tổng Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam.
Các hình ảnh tư liệu trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định.
Mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, nhân dân thành phố và cả nước nhận ra trong đoàn quân tóc dài có nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Từ tháng 6-1980 đến năm 1992, bà là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (1982 - 1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cuba, Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam…
“Đội quân tóc dài” huyền thoại
Sau cuộc Đồng khởi nổ ra trong tỉnh 10 hôm, ngày 26-1-1960, địch huy động 12 ngàn quân gồm cả quân chủ lực và bảo an càn quét vào 3 xã xuất phát điểm là Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.
Chiến dịch khủng bố này lấy tên là “Bình trị Kiến Hòa” với mục tiêu nhằm đè bẹp phong trào cách mạng quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta đang còn trứng nước. Đi đến đâu, chúng triệt phá nhà cửa, cướp bóc, bắn giết dân lành một cách tàn bạo.
Lập tức, Tỉnh ủy và bà Nguyễn Thị Định chủ trương tập hợp lực lượng, tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị gồm toàn bộ chị em phụ nữ kéo lên quận Mỏ Cày với danh nghĩa là “tản cư” để tránh cuộc hành quân càn quét đang diễn ra. Lực lượng tham gia đấu tranh lên đến 5.000 người. Các chị, các má, người thì khiêng kẻ bị thương, người thì chở xác chết, mang theo mảnh bom, mảnh đạn để làm tang chứng, lớp còn bồng bế con cái đùm túm theo cả mùng mền, nồi niêu để nấu ăn.
Lực lượng đấu tranh trên 200 ghe xuồng từ các ngã rầm rập đổ về Mỏ Cày rồi lên bộ kéo đi chật các đường phố của thị trấn. Bà con tràn vào Dinh quận trưởng, nhà thông tin, thánh thất, nhà thờ, vừa kêu vừa khóc, tố cáo tội ác của giặc, vừa đòi quận trưởng ra lệnh chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, gạo thóc cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con trở về yên ổn làm ăn.
Trước cảnh hàng ngàn người già, phụ nữ, trẻ em nheo nhóc, ăn ngủ vạ vật khắp nơi, đồng bào trong thị trấn vô cùng cảm động họ mang cơm nước, thuốc men, tiền bạc giúp đỡ. Nhiều vị tu hành, nhân sĩ kêu gọi lạc quyên ủng hộ bà con “tản cư”, nhiều binh lính, cảnh sát tỏ thái độ đồng tình việc làm của đồng bào.
Du khách đến tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Trước áp lực của đông đảo quần chúng, quận trưởng Mỏ Cày buộc phải “xuống nước”, hứa chuyển ngay yêu sách của đồng bào lên Tỉnh trưởng Kiến Hòa và ra lệnh giúp đỡ đồng bào để nhằm xoa dịu dư luận.
Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, Đại tá Nguyễn Văn Y thay mặt Bộ Tổng tham mưu ngụy, chỉ huy trưởng cuộc hành quân, từ Sài Gòn phải bay xuống thị sát tình hình và sau đó ra lệnh rút quân.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh là thêm một minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh “Hai chân, Ba mũi” - chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận - mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho cao trào Đồng khởi của toàn miền Nam.
Ra đời trong cao trào Đồng khởi ở Bến Tre, “Đội quân tóc dài” đã phát triển rộng khắp trong toàn miền Nam và đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng thời chống Mỹ, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.
Quê hương bà Ba Định hôm nay
Theo sáng kiến của Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam của Cuba, một trong 4 làng thuộc nông trường bò giống Hinba Bônita được chọn làm “đơn vị kết nghĩa” với Bến Tre của Việt Nam mang tên Làng Bến Tre từ ngày 20-12-1969. Làng Bến Tre là một đơn vị kinh tế kiểu mẫu, nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến toàn Cuba, được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Hội đồng Nhà nước Việt Nam.
Nông Trường Hinba Bônita nằm trên diện tích rộng 13.000ha, gồm 31.000 con bò, với sản lượng 34 triệu lít sữa/năm. Ngoài ra, nông trường còn có 6 trại nuôi bê, 18 trại nuôi bò tơ. Nông trường còn có 1 trại nuôi heo và 1 trại nuôi dê để cung cấp thịt và sữa cho hơn 2.000 công nhân của nông trường.
Một phân cảnh tại Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã diễn ra trọng thể tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định trên quê hương Lương Hòa - Làng Môcađa của đất nước Cuba kết nghĩa.. Ảnh: Trung Hiếu
Hàng năm, nhân dân Làng Bến Tre đều tổ chức lễ Tết theo âm lịch cổ truyền của Việt Nam với những trò vui xuân và không quên tổ chức kỷ niệm đều đặn Ngày Đồng khởi (17-1-1960) của nhân dân Bến Tre anh hùng. Các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Cuba đều đến thăm Làng Bến Tre, trong đó có nhiều đoàn hữu nghị của tỉnh nhà.
Dịp lễ kỷ niệm lần thứ 24 ngày Đồng khởi tổ chức tại Bến Tre (9-1-1984), UBND tỉnh đã ra quyết định chọn xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm làm địa phương “kết nghĩa” với Cuba mang tên Môncada - nơi phóng lên phát pháo hiệu mở đầu của cuộc khởi nghĩa giải phóng Cuba khỏi ách thống trị của bọn bù nhìn Batixta.
Như vậy là ở Cuba, nông trường bò giống Hinba Bônita mang tên “Làng Bến Tre” và ở Việt Nam, xã Lương Hòa được mang tên “Làng Môncada” - biểu tượng đoàn kết của hai dân tộc anh em Việt Nam - Cuba. Xã Lương Hòa cũng là quê hương của bà Nguyễn Thị Định - Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cuba.
Xã Lương Hòa thuộc huyện Giồng Trôm, có diện tích tự nhiên 1.154ha, với mật độ đông đúc số dân trên 10 ngàn người. Nằm dọc dài bên bờ tả ngạn sông Giồng Trôm. Xã có 2 ấp Hòa Thạnh và Hòa Lợi, từng là căn cứ hậu cần của Tỉnh ủy Bến Tre và mật khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời chống Mỹ.
Nhiều trận đánh lớn đã xảy ra nơi đây, nhận chìm hàng chục tàu chiến địch và hàng trăm tên giặc. Suốt 30 năm chiến tranh, địch đã dùng pháo bầy, máy bay B.52, tàu chiến, bom napal, chất độc hóa học đánh phá, chà xát Lương Hòa nhằm biến nơi đây thành vùng đất chết, nhưng nhân dân Lương Hòa đã kiên cường bám trụ, quyết tâm chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình cho đến ngày toàn thắng năm 1975.
Xã Lương Hòa - Môncađa ngày nay là xã văn hóa mạnh, đang đĩnh đạc tiến lên xã nông thôn mới. Xã có địa hình sông rạch chằng chịt, cách trở nhưng đã phấn đấu vươn lên đạt mức thu nhập bình quân và tổng sản phẩm xã hội khá.
Lương Hòa giàu truyền thống vốn có trình độ dân trí cao nhờ luôn tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội.
Lương Hòa - Làng Môncada của Bến Tre đang ngút ngàn xanh và vươn lên từng ngày.
Một chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã diễn ra trọng thể tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định trên quê hương Lương Hòa - Làng Môcađa của đất nước Cuba kết nghĩa.
Nổi bật là sân khấu thực cảnh nhằm tái hiện lại những mốc lịch sử, những sự kiện quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp của người phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nội dung chương trình còn khái quát sự tiếp nối truyền thống vẻ vang trong xây dựng hôm nay và tương lai trên quê hương Đồng Khởi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.