Thời gian gần đây, vườn sầu riêng 3 gốc 1 thân của nông dân Trần Văn Đức (ngụ ấp 7, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đang được nhiều người biết đến, tìm về chiêm ngưỡng do độc lạ so với những cây sầu riêng truyền thống.
Nông dân Trần Văn Đức cho biết do mỗi cây có 3 gốc nên hút phân, hút nước tốt, nuôi được thân, lá ổn định nên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Nhờ vậy năng suất sầu riêng của gia đình ông luôn cao hơn so với các nhà vườn lân cận.
Qua chia sẻ, ông Đức nói rằng nhiều năm trước, trong một lần tham quan, học tập kinh nghiệm, ông được hướng dẫn cách ghép cây sầu riêng nên sau đó khi về nhà ông nhiều lần tìm tòi nghiên cứu tự mình ghép sầu riêng để tạo ra cây giống ông mong muốn.
Sau đó khi đã thuần thục ghép sầu riêng, ông Đức suy nghĩ đến việc ghép nhiều gốc sầu riêng lại với nhau để giảm chi phí cây giống, giúp cây tăng trưởng khỏe mạnh hơn…
Nghĩ là làm, ông Đức nhanh chóng bắt tay vào việc và đã ươm sầu riêng giống bằng hạt trong bầu. Kế đó ông Đức tiếp tục để cây sầu riêng con phát triển ổn định khoảng được 1 năm tuổi ông mới tiến hành ghép cùng giống sầu riêng Ri6.
Với cách ghép sầu riêng mới này ông đã thành công khi phần gốc là sầu riêng giống hạt, thân trên là sầu riêng Ri6 và ông cho trồng dần vào vườn của mình. Đến nay ông Đức đã trồng kín 3ha sầu riêng 3 gốc 1 thân tại vườn và năng suất ổn định, chất lượng trái tốt, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Lúc đầu tôi cũng chỉ trồng thử nghiệm ít cây thấy phát triển tốt, hiệu quả cao nên tôi đã mạnh dạn mở rộng trồng tổng cộng 3 ha sầu riêng với cách ghép cây này. Việc ghép 3 cây làm 1 có ưu điểm là vườn tôi chủ động chọn được cây to, khỏe, đẹp nhất làm cây chính. 3 gốc cùng nuôi một thân nên cành nhiều, lớn nhanh, đỡ lo bị suy cây. Hơn nữa nhờ có tới 3 bộ rễ cùng hút chất dinh dưỡng để nuôi cây nên cây sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh và đặc biệt không lo gió bão làm bật gốc cây”, ông Đức cho hay.
Ông Đức chia sẻ, đến nay trong 3 ha sầu riêng ghép đang có 7 sào cho thu hoạch chính vụ.
“Sản lượng sầu riêng thu hoạch vụ này ước đạt khoảng 19 tấn quả sầu riêng, cao gấp 1,5 lần so với vườn thông thường. Năm nay, sau khi trừ tất cả chi phí, vườn tôi dự kiến sẽ thu về được khoảng nửa tỷ đồng”, ông Đức vui vẻ nói.
Khi chia sẻ về cách chăm sóc sầu riêng, ông Đức cho biết để quả sầu riêng đẹp, đều múi, không bị cong vẹo, ông cùng các nhân công trong nhà chọn cách thụ phấn nhân tạo thay vì để cây tự thụ phấn. Bên cạnh đó đi theo xu thế của người tiêu dùng hiện nay nên ông còn chọn cách chăm sóc, sản xuất theo hướng sầu riêng sạch, hữu cơ.
“Hiện nay người tiêu dùng thích sầu sạch, sầu rụng… nên chúng tôi nắm bắt nhu cầu đó của thị trường cố gắng sản xuất và đi đúng hướng. Nhờ vậy toàn bộ sầu riêng của gia đình tôi được công ty bao tiêu trọn gói theo giá thị trường. Điều đó giúp cho gia đình tôi có nguồn thu ổn định không lo lắng về đầu ra sản phẩm”, ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, hiện nay có nhiều bà con trong vùng và các địa phương lân cận đã đến tham quan, học hỏi cách trồng sầu riêng của ông. Nhiều người đã mua cây giống sầu riêng ghép của ông về trồng để nhân rộng giống ghép này.
“Tôi nghĩ có hiệu quả thì nhiều người làm cùng thôi. Tôi cũng mong bà con đều có được giống tốt để khâu chăm sóc sầu riêng đỡ vất vả”, ông Đức nói thêm.
Đánh giá về vườn sầu riêng của ông Đức, bà Bùi Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây có nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang trồng sầu riêng vì sầu riêng đang cho lợi nhuận cao.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân để có hiệu quả kinh tế lâu dài, có đầu ra ổn định phải hướng đến trồng sầu riêng sạch, hữu cơ. Với mô hình trồng sầu riêng 3 gốc của hộ gia đình ông Trần Văn Đức thì đây là mô hình vườn cây ghép rất mới ở địa phương", bà Liên nói.
"Thời gian qua các bộ, lãnh đạo xã cũng thường xuyên đồng hành theo dõi hiệu quả kinh tế, khả năng chống chịu với thời tiết mưa gió, trên cơ sở đó sẽ có hướng tuyên truyền phát triển nhân rộng. Trong thời gian tới, các ngành chức năng của huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai sẽ lấy mẫu quả, mẫu đất kiểm tra nhằm làm thủ tục công nhận đạt chuẩn VietGAP, sau đó làm mã số vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, bà Liên nhấn mạnh.