Dân Việt

Vụ vỡ đập Kakhovka ở Kherson: Ukraine có lợi, quân Nga thiệt hại trăm bề?

Con đập Kakhovka ở Kherson được mô tả là một cấu trúc cực kỳ kiên cố, vững chắc, chỉ có thể bị phá hủy bằng cách đặt hàng tấn thuốc nổ nhưng có thể chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được thủ phạm gây vỡ đập.

Quân đôi Nga sẽ hứng thiệt hại trăm bề

Vụ vỡ đập Kakhovka ở Kherson: Ukraine có lợi, quân Nga thiệt hại trăm bề? - Ảnh 1.

Lũ lụt do vỡ đập Kakhovka trên sông Dnipto ở Kherson. Ảnh chụp màn hình từ video.

Theo Euromaidanpress, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng đây chính xác là những gì Ukraine đã làm để phá hủy đập thủy điện Kakhovka (kích nổ hàng tấn thuốc nổ). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Ukraine sợ quân Nga tái chiếm Kherson nên đã cho nổ tung con đập.

Đáp lại, phía Ukraine phản ứng bằng cách chỉ ra rằng, hố lớn trên con đập (do vụ nổ gây ra) nằm ở chính giữa và vì quân Nga đã phá hủy cây cầu ở phía Ukraine nên chỉ quân đội Nga mới có thể tiếp cận phần giữa của con đập và chỉ người Nga mới có thể vận chuyển hàng tấn thuốc nổ tới vị trí này.

Các quan chức Ukraine lập luận rằng, Nga quyết định cho nổ tung con đập vì Ukraine đã dần thiết lập được quyền kiểm soát đối với tất cả các đảo và sẵn sàng mở mặt trận phía nam thứ hai và tiến hành một chiến dịch đổ bộ.

Quân Nga lo rằng họ sẽ không thể đối phó với cuộc tấn công của Ukraine đồng thời ở cả Zaporizhzhia và Kherson nên đã cho nổ tung con đập và quét sạch tất cả các vị trí của Ukraine trên các đảo ở Kherson. Kể từ tối ngày 6/6, người Ukraine đã sơ tán binh lính và đạn dược khỏi các đảo ở Kherson.

Quân Nga cũng đang làm như vậy. Do lũ lụt lớn hơn nhiều so với dự kiến, nhiều vị trí của quân đội Nga đã dần bị cắt đứt khỏi đất liền, bị thu hẹp và cô lập.

Vào buổi sáng, nhiều kênh truyền thông xã hội của Nga bắt đầu cảnh báo tất cả các binh sĩ Nga rằng họ chỉ còn 2 giờ để rời đi chứ không phải ba ngày.

Điều này có nghĩa là các lực lượng Nga đã được thông báo để từ bỏ các vị trí của họ, tuy nhiên, do thời gian bị rút ngắn nên không phải tất cả các binh sĩ Nga đều có thể được cứu kịp thời và nhiều người trong số họ đã bị dòng nước cuốn trôi, Euromaidan Press cho biết.

Do lũ lụt nghiêm trọng nên về lâu dài, người Nga thậm chí có thể hứng thêm thiệt hại. Một số nhà phân tích Ukraine báo cáo rằng, nhiều phần của tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga đã bị nhấn chìm dưới nước. Hầu hết đạn dược và thiết bị của họ cũng sẽ chìm theo vì không thể được sơ tán kịp. Các chiến hào sẽ bị san phẳng và các công sự dọc bờ sông sẽ bị xóa sổ. Nước lũ dự kiến sẽ rút trong khoảng 2 tuần và người Nga được cho là khó có thể tiếp tế cho toàn bộ lực lượng của họ ở Kherson.

Đồng thời, theo các nhà phân tích, khi mực nước ở thượng nguồn đang giảm nhanh chóng, chiều rộng của con sông trong khu vực này có thể thu hẹp lại đến mức người Ukraine có thể khai thác một hướng mới để tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ và sẽ có thể chọn địa điểm tấn công trên mặt trận dài 250 km thay vì chỉ 70 km. Một cuộc tấn công như vậy sẽ thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn cho quân đội Nga, vì họ sẽ không thể triển khai đủ quân để giám sát toàn bộ bờ đông, đồng thời phòng thủ trước cuộc phản công ở Zaporizhzhia.

Trung Quốc bày tỏ lo ngại về vụ vỡ đập ở Ukraine

Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ phá hủy đập thủy điện Kakhovka ở miền nam Ukraine.

Ông Trương Quân (Zhang Jun), đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết, việc bảo vệ thường dân và các cơ sở dân sự quan trọng trong xung đột vũ trang là một nguyên tắc quan trọng được quy định trong luật nhân đạo quốc tế.

"Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc phá hủy con đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka. Chúng tôi lo ngại sâu sắc về những hậu quả nhân đạo, kinh tế và sinh thái. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và hành động hết sức mình để bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự", ông Trương nói.

Sự sụp đổ của con đập đã gây ra lũ lụt. Một số lượng lớn người dân đang cần sơ tán khẩn cấp và hàng chục nghìn người có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nước sinh hoạt, ông Trương phát biểu tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực tích cực của Liên Hợp Quốc và các cơ quan nhân đạo nhằm giúp sơ tán những người bị ảnh hưởng.

"Trung Quốc nhắc lại rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể miễn nhiễm. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động có thể làm leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời nỗ lực duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia", ông Trương Quân nói thêm.

Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về sự kéo dài hoặc thậm chí leo thang hơn nữa của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những gì vừa xảy ra một lần nữa cho thấy rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong một tình huống xung đột. Ông Trương Quân cho rằng ngọn lửa chiến tranh nếu được phép bùng phát dữ dội sẽ chỉ mang lại nhiều đau khổ và nhiều thảm họa hơn, cũng như những rủi ro lớn khó dự đoán.

Các bên liên quan nên tỉnh táo, kiềm chế và nối lại đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt, vị quan chức Trung Quốc nói.