Tìm về nhà anh Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1985, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) những ngày đầu tháng 6, phóng viên Dân Việt mục sở thị ngôi nhà tầng kiên cố rộng 200m2 chuyên nuôi chim yến để lấy tổ.
Clip: Mô hình nuôi chim yến hộ anh Nguyễn Văn Chiến (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng.
Anh Chiến tâm sự: "Trước kia tôi làm nghề cắt tóc ở khu vực phía Nam, lúc đó có một vị khách đến cắt tóc và có nhắc đến câu chuyện nuôi chim yến làm giàu. Tôi suy nghĩ ở ngoài Bắc hầu như rất ít nhà nuôi và khí hậu khắc nghiệt liệu nuôi có thành công".
"Qua câu chuyện với vị khách đó, tôi quyết tâm "thay đổi số phận". Tôi vào trong thành phố Hồ Chí Minh, rồi đi đến những nơi mà người dân nuôi con chim yến để xem, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, tìm hiểu thêm về đặc tính của chim yến, khai thác tổ yến…thông qua đọc sách, báo, xem tivi. Tôi như cuốn hút với con chim yến và càng tìm hiểu càng thấy say mê", anh Chiến bộc bạch.
Năm 2016, anh Nguyễn Văn Chiến về quê xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) khởi nghiệp từ việc nuôi con chim yến. Cùng số tiền có được từ thời đi làm thuê, cắt tóc, cộng với vay mượn anh em bạn bè, anh Chiến quyết định xây nhà cao tầng để nuôi chim yến.
Ban đầu, anh Chiến chỉ xây được căn nhà 2 tầng rộng hơn 50m2, đầu tư hệ thống âm thanh, máy điều khiển, khung gỗ cho yến làm tổ…và đến nay tổng diện tích anh Chiến đang nuôi con chim yếu rộng 200m2.
Anh Chiến nhớ lại: "Tôi đầu tư nuôi con chim yến hơn 1 tỉ đồng, lúc đó thấy tôi xây căn nhà chẳng giống ai, nhìn như lô cốt, mọi người cứ bảo là bị gàn dở. Khi nói mình làm nhà nuôi yến, nhiều người càng chê bai hơn vì loài chim này còn rất xa lạ với người ở miền Bắc".
"Khi chưa hoàn thiện căn nhà nuôi yến, tôi chỉ bật thử hệ thống âm thanh, hàng chục con chim yến bất ngờ từ đâu kéo đến. Đến khi nhà làm xong đâu vào đấy, hàng chục đôi chim yến kéo đến xây tổ mà thấy vui sướng vô cùng", anh Chiến kể.
Được biết, sau nhiều năm nuôi con chim yến lấy tổ, anh Chiến đã đúc kết thêm cho mình được nhiều kinh nghiệm. Đối với việc thiết kế nhà yến, anh Chiến lưu ý với mọi người cần xây nhà 2 lớp, ở giữa đặt một lớp tạo xốp với mục đích chống lạnh về mùa đông và tạo mát vào mùa hè.
Ngoài ra, bên trong nhà nuôi con chim yến cần lắp thêm hệ thống phun sương làm ẩm vào mùa hè, lắp máy sưởi cho con chim yếu về mùa đông nhằm đảm bảo nhà nuôi yến luôn duy trì số lượng đàn yến. Theo ước lượng của anh Chiến, hiện với diện tích 200m2 anh có khoảng 4.000 con chim yếu đến ở và làm tổ.
"Nhà nuôi chim yến phải làm sao cho nó giống với nơi ở của con chim yến ngoài tự nhiên, đồng thời phải ngăn không cho các loài thiên địch gây hại vào trong nhà như: chuột, rắn, chim cú mèo..." anh Chiến nói.
Để gọi chim yến về làm tổ, cần phải tính toán cẩn trọng các thông số kỹ thuật phức tạp về kích thước, chất liệu phù hợp với quá trình sinh trưởng, cũng như phát triển của con chim yến.
Được biết, thường con chim yến sinh sản theo mùa, vào khoảng giữa tháng 1 hàng năm, chim yến bắt đầu xây tổ, đến giữa cuối tháng 3 bắt đầu đẻ trứng. Chim yến đực và cái cùng nhau làm tổ, cùng ấp và nuôi chim con, sinh sống khá ổn định.
Chim yến làm tổ bằng nước bọt được tiết ra từ hai tuyến nước bọt ở dưới lưỡi hai bên má. Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt phát triển mạnh, phình to ra ở hai bên má.
Anh Chiến lưu ý, đối với việc lấy tổ yến trong nhà cần đòi hỏi cao sự nhẹ nhàng, khéo léo. Người thu hoạch yến di chuyển vào các tầng tổ yến cần tránh gây ra tiếng động khiến những con còn ở lại trong nhà sợ hãi. Việc lấy tổ yến cần được diễn ra nhanh chóng, nhẹ nhàng nhất có thể.
Bình quân 15 ngày anh Chiến thu tổ yến một lần, mỗi lần gần 2kg. Để xử lý tổ yến sạch đến người tiêu dùng, anh Chiến thuê 6 lao động (theo thời vụ trả lương 200.000 đồng/ngày). Giá bán trung bình khoảng 25-27 triệu đồng/kg đối với tổ yến thô, 30 triệu đồng/kg tổ yến làm sạch. Sau khi tính toán gia đình anh Chiến thu về gần 40 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch UBND xã Kim Mỹ cho biết: "Mô hình nuôi chim yến hộ anh Nguyễn Văn Chiến đã có nhiều năm nay và đang đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đây cũng là mô hình mới ở địa phương, là điểm để thanh niên trong xã học tập cùng nhau phát triển kinh tế".