Trong một khu rừng nọ ở tỉnh Ninh Bình, cứ mưa xuống nắng lên là bướm trắng ở đâu xuất hiện hàng đàn
Trong một khu rừng thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, cứ mưa xuống nắng lên là bướm trắng xuất hiện
P.V
Thứ năm, ngày 01/06/2023 14:31 PM (GMT+7)
Vườn Quốc gia Cúc Phương đang vào mùa bướm sinh sản, chỉ cần sau cơn mưa, khi nắng vàng lên rực rỡ là từng đàn bướm ở đâu bay ra phấp phới dọc con đường vào trung tâm của vườn. Với các giá trị của rừng, Cúc Phương đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn.
Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ (Vườn Quốc gia Cúc Phương), rừng Cúc Phương có khoảng 400 loài bướm khác như bướm phượng, bướm khế, hồ điệp… với đủ màu sắc và kích cỡ. Nhưng phổ biến nhất tại vườn Cúc Phương là các loài bướm trắng, chúng ưa thích đậu tại những nơi ẩm thấp, vũng nước hoặc bùn lầy.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, thời gian có thể quan sát đàn bướm ở Cúc Phương kéo dài từ tháng tư đến khoảng tháng 8 hàng năm. Nhất là thời điểm cuối xuân, đầu hạ, tầm từ tháng 4 tới cuối tháng 5, khi những cơn mưa xuân ẩm ướt qua đi, ánh nắng không quá gắt, chính là lúc mùa bướm sinh sản.
Ngay từ cổng vào khu rừng, du khách có thể bắt gặp hàng trăm con bướm tụ lại cùng nhau trên mặt đất. Mỗi khi có người đi qua hoặc xua nhẹ tay là cả đàn tung cánh bay lên.
Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, cách thành phố Hà Nội 120km về hướng Tây Nam. Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn có hệ động thực vật phong phú đa dạng, trong đó có nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo số liệu điều tra gần đây, Cúc Phương có 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú.
Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện một hoá thạch của loài động vật có xương sống. Theo kết luận của Viện cổ sinh học Việt Nam đây là hoá thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 - 230 triệu năm.
Trong khu vực Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường, với những nét văn hoá độc đáo và đặc trưng, là những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang…
Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử nên Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.
Vườn quốc gia Cúc Phương được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 4 năm liền (2019-2022). Khu rừng này đang được biết đến với những nội dung giáo dục cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học tốt nhất hiện nay.
Các hoạt động du lịch ở Cúc Phương đều do Ban Quản lý rừng Quốc gia Cúc Phương tự tổ chức. Hằng năm, các hoạt động giáo dục đi đôi với bảo tồn thu hút từ 100.000-120.000 lượt khách.
Ông Nguyễn Văn Chính nhấn mạnh: "Định hướng của rừng Cúc Phương là phát triển du lịch sinh thái bền vững; bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Với tài nguyên phong phú, đa dạng, bảo vệ tốt, Cúc Phương có nhiều tiềm năng trong du lịch sinh thái như khám phá thiên nhiên (leo núi, hang động, cây cổ thụ, cắm trại. Cùng với đó là các chương trình cứu hộ, bảo tồn động vật mang tầm cỡ thế giới. Cúc Phương được ví như "Thủ đô bảo tồn" các loài linh trưởng, rùa, thú ăn thịt và tê tê".
Đặc biệt, để khai thác giá trị đa dụng của rừng già, những năm qua, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã liên kết chặt chẽ với các cộng đồng dân cư địa phương sống xung quanh vườn phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần tạo lập sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Với một hoặc hai đêm nghỉ lại tại bản Mường, du khách đã góp phần tạo thu nhập cho người dân, hỗ trợ công tác bảo tồn. Trong thời gian ở bản, người Mường với lòng nhiệt tình, mến khách sẽ mang lại cho du khách thời gian thoải mái và cơ hội để tìm hiểu, khám phá những nét văn hoá bản địa độc đáo.
Hiện, Bộ NNPTNT đang trong quá trình xây dựng "Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng". Trong cuộc làm việc lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ về đề án, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần nhìn nhận giá trị của rừng dưới góc nhìn đa dạng, đa dụng và đa giá trị, thay vì chỉ tập trung vào gỗ, thủy điện…
“Khi thay đổi góc nhìn, chúng ta sẽ phát huy được giá trị của rừng, sẽ có hàng triệu việc làm mới được tạo ra, đem lại sinh kế bền vững cho rất nhiều người, góp phần bảo vệ, bảo tồn rừng một cách hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.