Dân Việt

Nhà xuất khẩu cà phê, hồ tiêu hàng đầu Việt Nam đầu tư mạnh cho chuyển đổi số

Thiên Ngân 10/06/2023 15:36 GMT+7
Công ty CP Phúc Sinh, nhà xuất khẩu tiêu và cà phê lớn tại Việt Nam vừa kí kết hợp tác với Công ty SAP và ATS Việt Nam triển khai dự án áp dụng công nghệ mới cho hệ thống lập kế hoạch kinh doanh và báo cáo quản trị thông minh, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong xuất khẩu nông sản.

Thành lập vào năm 2001 và từ năm 2006 đến nay, Công ty CP Phúc Sinh (TP.HCM) đã có 12 năm đứng số 1 về doanh số xuất khẩu hồ tiêu với 8% thị trường toàn cầu, đồng thời nhiều năm ở trong top 4 doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cà phê tại Việt Nam. 

Nhận thức rõ cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nhanh chóng, mạnh mẽ đến sự phát triển của doanh nghiệp, Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, nếu áp dụng sớm công nghệ số, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nắm bắt lợi thế cạnh tranh, từ đó chủ động hơn trong việc định hướng, điều hành doanh nghiệp và tiếp cận thị trường.

Với mong muốn là nhà tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực nông sản, sáng 10/6, Công ty CP Phúc Sinh đã hợp tác cùng Công ty SAP (nhà cung cấp phần mềm nổi tiếng của Đức) và Công ty ATS Việt Nam tổ chức lễ kí kết hợp đồng và khởi động dự án SAP, nhằm tiếp cận và trải nghiệm thực tế các giải pháp hàng đầu thế giới, là công cụ đáng tin cậy giúp Phúc Sinh đánh giá toàn diện, loại bỏ rủi ro trước khi đầu tư vào những dự án kinh doanh mới trong tương lai.

Nhà xuất khẩu cà phê, hồ tiêu hàng đầu Việt Nam đầu tư mạnh cho chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group, đại diện SAP có bà Nguyễn Thị Thuỳ Trang - Giám đốc Tài chính (CFO), và ônng Lê Đình Anh Việt - Tổng Giám đốc ATS Việt Nam.

Tại lễ kí kết, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group - người được mệnh danh là "vua tiêu" bày tỏ niềm tự hào khi chia sẻ câu chuyện về công ty của mình và cách công ty đã phát triển trong những năm qua. Ông Thông cho biết: Mặc dù Phúc Sinh khởi đầu là một doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực và năng lực hạn chế, nhưng giờ đây Phúc Sinh đã nổi lên như một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhờ các giá trị cốt lõi như tính chính trực, đổi mới và sự hài lòng của khách hàng.

"Hơn nữa, Công ty Phúc Sinh không ngừng tìm cách cải thiện quy trình sản xuất của mình và đi đầu trong cạnh tranh bằng cách áp dụng các công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo. Việc triển khai phân tích dữ liệu đám mây (SAC) sẽ giúp ích không chỉ cho Phúc Sinh mà còn góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam" - ông Thông cho biết. 

Nhà xuất khẩu cà phê, hồ tiêu hàng đầu Việt Nam đầu tư mạnh cho chuyển đổi số - Ảnh 2.

Công ty cổ phần Phúc Sinh đang nằm trong top 4 nhà rang xay cà phê lớn nhất Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có một thực tế là từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương, có nơi vẫn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin của người bán trên nền tảng số để minh bạch hóa trao đổi thương mại. Ở một số lĩnh vực, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa có biện pháp, công cụ để đưa ngay lập tức ứng dụng chuyển đổi số đối với mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói các mặt hàng nông sản xuất khẩu. 

Trong khi đó, hầu hết các thị trường nhập khẩu hiện nay đang đòi hỏi rất cao về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... Điển hình là mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định mới về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng và sẽ cấm nhập khẩu vào EU những mặt hàng nông sản gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.

Hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu nông hộ trồng cà phê, diện tích phần lớn chỉ từ 0,5ha trở xuống tại 11 tỉnh trồng cà phê. Số diện tích này thực tế là hợp pháp, không phải trồng trên đất do phá rừng, suy thoái rừng nhưng việc chứng minh nguồn gốc theo quy định không phải là chuyện dễ dàng. 

Đây là một đòi hỏi thực tế, buộc cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải cùng xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm. 

Về vấn đề này, đối với nhiều doanh nghiệp có thể là thách thức lớn, nhưng Phúc Sinh là đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu cà phê, hồ tiêu... vào châu Âu nên từ rất sớm, Phúc Sinh đã chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn UTZ, BRC, RA... 

Hiện tại, Phúc Sinh Group đã hoàn thành quy trình sản xuất khép kín đạt tiêu chuẩn quốc tế - From farm to cup: từ nông trại, nhà máy chế biến, nhà máy rang xay tới đóng gói thành phẩm.

Không như phần đa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường e ngại khi làm việc với đối tác nước ngoài, đích thân ông Phan Minh Thông năm nào cũng bỏ nhiều thời gian, tiền bạc đi gặp đối tác ở châu Âu, châu Mỹ; tham gia các lễ hội, hội chợ lớn về cà phê, gia vị... 

Sau các chuyến đi, ông Thông không chỉ tìm hiểu được nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng, mà còn hiểu rõ về quy định mới của các thị trường nhập khẩu, học hỏi kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của đối tác, từ đó giảm rủi ro trong giao dịch.  

Ông Lê Đình Anh Việt, Tổng Giám đốc ATS Việt Nam - đơn vị triển khai dự án SAP cho Phúc Sinh thông tin: Phần mềm SAP giúp doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn thiết lập môi trường, quy trình làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả mà tiện lợi nhờ sở hữu nhiều tính năng nổi trội như quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, quản lý mua hàng, quản lý kho và quản lý tài chính.

Ngoài phần mềm SAP ERP cơ bản, SAP còn cung cấp một loạt các phần mềm chuyên dụng khác như phần mềm SAC (SAP Analytics Cloud). 

Đây là nền tảng phân tích dữ liệu đám mây tích hợp nhiều tính năng như phân tích dữ liệu, tạo báo cáo và dự đoán tương lai. Phần mềm SAC giúp doanh nghiệp phân tích và tối ưu hoạt động kinh doanh của mình một cách nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn và hiệu quả hơn.