Trung Quốc đề xuất xây dựng cửa khẩu thông minh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam

Thiên Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 05/06/2023 19:26 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT và Cục Hải quan Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm, góp phần tạo thuận lợi cho nông sản Việt khi nhập khẩu vào Trung Quốc, giải toả tình trạng hàng hoá thường xuyên ùn tắc ở cửa khẩu.
Bình luận 0

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã có buổi làm việc với chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và cơ quan Hải quan của Trung Quốc. Thứ trưởng Nam đánh giá, đây là chuyến xúc tiến thương mại rất thành công. Ông Nam đã có buổi trao đổi với báo chí ngay sau chuyến đi. 

Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, tạo sân chơi cho doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc

Vừa qua Thủ tướng có công điện về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, trong đó thương mại nông lâm thuỷ sản được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng hiện nay, mảng này đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh này, Bộ NNPTNT có hành động gì để thực hiện công điện cũng như tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản?

- Thực hiện tuyên bố chung của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là để khắc phục tình trạng chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy giữa hai nước do dịch Covid-19, Bộ NNPTNT đã thành lập đoàn công tác cùng với các doanh nghiệp, lãnh đạo của các tỉnh có vùng nguyên liệu nông sản lớn sang làm việc với 2 tỉnh là Quảng Tây và tỉnh Vân Nam. 

Trong các chuyến làm việc, lãnh đạo từ tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Cục Hải quan của hai tỉnh đều tiếp đón đoàn rất trịnh trọng. Các đơn vị đều cam kết phối hợp với phía Việt Nam thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước hiện nay và trong thời gian tới.

Trung Quốc đề xuất xây dựng cửa khẩu thông minh, xe nông sản lên biên giới đăng ký trước để tránh ùn tắc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam trao đổi với báo chí chiều 5/6. Ảnh: B.H

Thứ trưởng đánh giá thế nào về thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid?

- Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thuận lợi, triển vọng. Trung Quốc là thị trường lớn, và sau đại dịch Covid-19, dấu hiệu phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất rõ ràng. Trong các buổi làm việc, chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều coi thị trường Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng. Đặc biệt là đối với nông sản, giao thương giữa hai nước mang tính bổ trợ cho nhau.

Ví dụ, ở Vân Nam có thế mạnh về rau củ quả vùng ôn đới, còn chúng ta có thế mạnh rau củ quả nhiệt đới nên bổ sung cho nhau. Cũng có những mặt hàng có thể trùng nhau, nhưng thực tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Thứ ba, Trung Quốc có hệ thống đường bộ rất thuận lợi. Hiện 70% lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vận chuyển bằng đường bộ. Đây cũng là thuận lợi để chúng ta đưa nông sản vào sâu trong nội địa của Trung Quốc và là lợi thế lớn để đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản trong thời gian tới.

Đặc biệt, đối với tỉnh Quảng Tây, phía bạn nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại nông sản hàng đầu. Lãnh đạo tỉnh Quảng Tây cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp là sau đại dịch cần phải kết nối lại chuỗi cung ứng nông sản. Theo đó, họ đồng ý sẽ phối hợp tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại thường niên và luân phiên giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam. Chúng tôi rất tán thành điều này.

Phía bạn cũng đồng ý với đề xuất của chúng ta, là thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, kể cả tỉnh Vân Nam để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp hai nước.  

Thực tế hiện nay, hạn chế nhất là việc xây dựng những chuỗi cung ứng nông sản lạnh để đảm bảo chất lượng hàng hoá qua biên giới. Về điều này, cơ quan chức năng phía bạn nhất trí cao, và sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng biên giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các cơ quan chức năng Việt Nam xây dựng các Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, từ đó xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Trung Quốc đề xuất xây dựng cửa khẩu thông minh, xe nông sản lên biên giới đăng ký trước để tránh ùn tắc - Ảnh 2.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh tại Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần

Tại buổi làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây), Cục Hải quan Côn Minh (tỉnh Vân Nam), chúng tôi cũng được các bạn đón tiếp trọng thị. Qua hội đàm đã thống nhất nhiều vấn đề, trong đó có đề nghị phía bạn xem xét, tạo điều kiện để thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Hiện nay nhu cầu 2 bên rất lớn, nhưng hạ tầng biên giới đang bị quá tải. Do đó, bên cạnh việc tạo điều kiện thông thương thì chính quyền 2 bên cũng phải quan tâm đầu tư cho hạ tầng để đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu.

Thứ hai, tỉnh Vân Nam đang rất cần các sản phẩm thủy sản do tỉnh này không có biển. Vì vậy phía tỉnh Vân Nam đồng ý và sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục nhập khẩu các sản phẩm thủy sản và các loài thủy sản sống của Việt Nam.

Thứ ba, để giải quyết các vấn đề ách tắc cục bộ ở các cửa khẩu, hai bên thống nhất giao cho các đơn vị chức năng làm đầu mối. Đối với Việt Nam, trước mắt chúng tôi giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường sẽ làm đầu mối để liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng các cửa khẩu nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề ách tắc, hay khi các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Chính quyền 2 tỉnh cũng đồng ý phối hợp với Hải quan Nam Ninh, Hải quan Côn Minh là hằng năm sẽ có hội nghị đánh giá công tác nghiệp vụ chuyên môn, từ đó định hướng cho năm tiếp theo. Đây là một kết quả rất nổi bật của chuyến đi, đáp ứng được yêu cầu tăng cường giao lưu, trao đổi với các cơ quan chức năng phía bạn, tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi.

Được biết là trong chuyến đi, Thứ trưởng đề xuất mở thêm các cửa khẩu để thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Phía bạn đánh giá như thế nào?

-Về việc mở thêm cửa khẩu, phía bạn thống nhất triển khai, nhưng đề nghị chúng ta cần nâng cấp hạ tầng các cửa khẩu, đảm bảo yêu cầu về xuất khẩu chính ngạch. Phía bạn cũng đề xuất chúng ta nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh, sử dụng công nghệ số để kiểm soát tốt hơn.

Đối với Bộ Nông nghiệp, chúng tôi cũng đồng ý và sẽ trao đổi với nhau bằng thư điện tử để giải quyết nhanh hơn, theo hướng hải quan một cửa. Tôi cho rằng đây là những ý tưởng rất tốt nhằm giải quyết ách tắc, thúc đẩy ứng dụng một cửa, công nghệ thông minh.

Theo Thứ trưởng, sản xuất nông sản nước ta cần cải thiện những vấn đề gì để hàng hoá Việt Nam đến cửa khẩu được thông quan nhanh nhất?

-Lần này sang Trung Quốc, chúng tôi kết hợp với 2 diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản với tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam. Tại diễn đàn đã có hơn 100 doanh nghiệp của Trung Quốc và gần 20 doanh nghiệp Việt Nam trao đổi rất nhiều vấn đề cùng hợp tác.

Thực tế cho thấy, việc hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu tính bền vững, do chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản. Không chỉ là vấn đề xây dựng mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói mà còn là vấn đề logistisc giữa hai nước. Khi làm được chuỗi này, doanh nghiệp có thể đăng ký trước với cửa khẩu là khi nào hàng hoá sẽ qua.

Chúng tôi có dịp đi thăm hải quan thông minh phía bạn, và thấy rằng xe chở hàng còn cách cửa khẩu 70km, họ đã bắt đầu đăng kí thủ tục để xuất biên. Do vậy, phía Việt Nam cũng nên kết hợp để các doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan chức năng cửa khẩu, để đúng giờ đó là hàng lên.

Làm được như vậy thì sẽ giải quyết rất nhiều chuyện ách tắc, đảm bảo truy xuất nguồn nguyên liệu, mã số vùng trồng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng công nghệ số, kết nối với các cơ quan để có sự thống nhất.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng, thành lập Hiệp hội để kết nối các chuỗi cả ở xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Trên cơ sở những chuỗi này, các cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, vướng ở đâu gỡ ở đó. Chứ như bây giờ, thường là các doanh nghiệp mua bán nhỏ lẻ, nhiều khi có hợp đồng bán xong rồi đứt đoạn, không có liên hệ gì, cũng không hiểu là nhu cầu sắp tới bạn cần mặt hàng nông sản như thế nào…

Có thể nói, nông sản Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Điểm yếu duy nhất của chúng ta là chuỗi cung ứng chưa đáp ứng tốt nhu cầu phía bạn?

- Khi làm việc với phía Trung Quốc, họ rất mong muốn sử dụng sản phẩm của chúng ta, ví dụ đối với mặt hàng yến, sầu riêng, họ rất cần, chỗ nào cũng đặt vấn đề mua và họ khẳng định sản phẩm của chúng ta đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của chúng ta chưa được xuyên suốt, còn bị đứt gãy, các doanh nghiệp vẫn làm ăn riêng lẻ. Vì thế, tôi cũng muốn gửi thông điệp: Trung Quốc là thị trường lớn, chú trọng đến chất lượng nên các quy định đều rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của họ. Khi đảm bảo được thì hàng hóa sẽ thâm nhập vào thị trường này thuận lợi.

Nhiều doanh nghiệp của mình vẫn nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính, song không phải vậy. Khi làm việc, doanh nghiệp phía bạn đều nêu vấn đề chất lượng là hàng đầu, là uy tín doanh nghiệp. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ tăng lên

"Chúng tôi cũng kỳ vọng là kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước trong thời gian tới sẽ tăng lên. Để đạt được điều này, chúng ta phải đảm bảo được xây dựng được chuỗi giá trị bền vững, có sự kết nối thường xuyên, từ đó đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.

Hiện nay, với các cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam, chính quyền 2 bên cũng thường xuyên gặp nhau. Thí dụ tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang, tỉnh Lai Châu thường xuyên làm việc với nhau, nhưng tỷ lệ giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa mới chỉ chiếm khoảng 5% so với các hàng hoá của tỉnh Vân Nam đi các nước khác.

Một mặt hạ tầng phải nâng cấp, thứ hai là cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu nhau sâu hơn. Chuyến đi này có 17 doanh nghiệp cùng tham gia, trong khi phía bạn có trên 100 doanh nghiệp, chứng tỏ họ rất mong muốn tìm hiểu thêm về cơ chế phối hợp, đặt vấn đề niềm tin trong kinh doanh nông sản giữa hai nước" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem