Dân Việt

Chỉ một huyện của tỉnh Nam Định đã có 30 đền, chùa thờ trực tiếp, phối thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Khánh Dũng 11/06/2023 18:43 GMT+7
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) hiện có hơn 30 di tích thờ tự trực tiếp và phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; trong đó có 10 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng...

Các di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) có thờ trực tiếp hoặc phối thờ Trần Hưng Đạo như: Đền - Chùa Hà Dương (xã Hoàng Nam); Đền Tân Liêu (xã Nghĩa Sơn); Đền Bình Lãng (xã Nghĩa Thắng, nay là xã Phúc Thắng); Đền Phúc Điền (xã Nghĩa Thành); Đình Giáo Phòng (xã Nghĩa Hồng); Đình - Đền - Chùa Quần Lạc, Đền Trần làng Thành An (xã Nghĩa Phong); Đền Trần làng Sỹ Hội (xã Nghĩa Hùng); Đền Trần làng Thịnh Phú, Đền Trần làng Thiên Bình (xã Nghĩa Bình). Các di tích đều mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo gắn với các lễ hội truyền thống của cộng đồng dân cư.

Chỉ một huyện của tỉnh Nam Định đã có 30 đền, chùa thờ trực tiếp, phối thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - Ảnh 1.

Đoàn rước trong lễ hội Đền Trần, làng Thịnh Phú, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Những công trình kiến trúc cổ

Đền - Chùa Hà Dương (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) là di tích được Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2017. 

Theo hồ sơ di tích, vào năm Tân Dậu, niên hiệu Bảo Thái 2 (1441), 4 dòng họ Ngô, Phạm, Vũ, Đồng cùng nhân dân địa phương đã khởi công xây dựng chùa thờ Phật, đền thờ Thành hoàng làng Đức Chiêu Hải Đại vương (người giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình dưới 3 đời Vua Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông), phối thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ban đầu, đền lợp mái tranh, vách đất. 

Trải qua nhiều lần tôn tạo, đặc biệt là 2 đợt trùng tu lớn vào các năm 1932, 1958, đền được xây dựng, mở rộng với quy mô gần 4.000m2 như ngày nay. 

Về kiến trúc, mặt đền quay hướng tây, xây theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”; tòa tiền đường 3 gian 2 chái; hệ thống bờ bảng, bờ nóc đắp họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt”. Trung đường và hậu cung xây hình chữ Đinh 3 gian, trần xây cuốn gạch, mái lợp ngói nam, nối với tiền đường theo kiểu trùng thềm. 

Chùa có tên tự Lưu Khánh; bái đường 3 gian, 2 chái; cổ diêm 3 khung hình chữ nhật đắp đại tự chữ Hán, mái lợp ngói nam. Phần chạm khắc trên các bức mê cuốn, ván tàu là các họa tiết triện tàu lá dắt, lá lật tạo dáng mềm mại. 

Tòa tam bảo 4 gian xây chạy dọc, mái cuốn ván nối với thượng điện. Trên tam bảo, chùa bài trí hệ thống 21 pho tượng Phật, chia 7 lớp. Kế bên Đền - Chùa Hà Dương là hệ thống nhà giải vũ và các công trình phụ trợ xây mới theo phong cách nghệ thuật kiến trúc truyền thống với các đề tài trang trí chủ đạo như: vân mây, rồng, phượng, hoa lá…

Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền Tân Liêu (xã Nghĩa Sơn) thờ các vị: Trần Hưng Đạo, Triệu Việt Vương, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc (hai người cháu của Triệu Việt Vương có công phò giúp vua đánh giặc Lương). 

Đền xây dựng từ thế kỷ XVII và được tu sửa năm 1945. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến nay ngôi đền vẫn bảo tồn được các kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống nghi môn gồm 3 cửa ra vào, 2 bên cửa chính là 2 cột đồng trụ đắp hoạ tiết nghê chầu; 2 cửa bên được xây chồng diêm 2 tầng 8 mái, lợp ngói nam. 

Đền xây hướng nam theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”, sân đền rộng chừng 300m2, giữa sân đền có đắp non bộ, 2 bên là 2 hồ sen tạo cảnh quan cho di tích. Hệ thống tiền đường chia làm 5 gian, cửa bằng gỗ lim, trên các đầu xà có chạm khắc hoạ tiết lá lật. 

Giữa tiền đường là nhang án nối liền với trung đường và hậu cung. Trung đường và hậu cung đều có 3 gian, có đặt các bài vị của “Ngũ vị tiên hiền” (5 vị có công dựng làng, lập xã), bài vị của Đức Thánh Trần và bài vị Triệu Việt Vương.

Đền Phúc Điền (xã Nghĩa Thành) là công trình văn hóa tâm linh thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và 31 vị tổ lập làng Thư Điền xưa. 

Di tích Đền Phúc Điền được xây dựng song hành với khoảng thời gian hình thành và phát triển làng xã của quê hương. Đền là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

Nơi đây là địa điểm hoạt động cách mạng của cán bộ bí mật về gây dựng phong trào ở địa phương; tổ chức các lớp học xóa mù chữ, tập kết lương thực và luyện tập quân sự; đồng thời tổ chức phát động phong trào “Hũ gạo nuôi quân” phục vụ kháng chiến… 

Về lịch sử hình thành di tích, sau công cuộc khai hoang, lấn biển thành công năm 1930, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, năm 1939, người dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng ngôi đền làng để làm nơi lễ Thánh cầu phúc cho cộng đồng dân cư. 

Đền xây dựng trên khu đất rộng 1.570m2, mặt quay hướng tây nam. Công trình chính của đền kết cấu hình chữ Nhị gồm tiền đường 3 gian, hậu cung 3 gian. Hiện Đền Phúc Điền còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật; tiêu biểu như: Bức đại tự chữ Hán “Vạn thế sư” sơn son, thếp vàng, chạm trổ họa tiết tứ linh, tứ quý; bài vị Trần Hưng Đạo khắc dòng chữ “Cửu thiên vũ đế Trần triều hiển khánh thân vương thần vị”; tượng Đức Thánh Trần cao 66cm, tạc trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo long cổn, nét mặt uy nghiêm.

Nét đẹp văn hóa dân gian

Để phát huy giá trị các di sản văn hóa Trần, hàng năm, tại các di tích lịch sử - văn hóa thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, chính quyền và nhân dân các địa phương đều tổ chức các lễ hội làng truyền thống với các nghi thức trang trọng cùng nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao, biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống. 

Xã Nghĩa Bình có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là Đền làng Thiên Bình và Đền làng Thịnh Phú. Hàng năm, dân làng Thịnh Phú và Thiên Bình đều tổ chức lễ hội dịp ngày sinh, ngày mất của Đức Thánh Trần. Ở làng Thiên Bình, trước mỗi kỳ lễ hội, các giáp, đinh trong làng chuẩn bị lễ vật, bao sái đồ thờ tự tại đền; các gia đình dọn dẹp vệ sinh cảnh quan môi trường nhà ở, đường sá. 

Đến ngày khai hội, kiệu Đức Thánh Trần, kiệu long đình, nhang án, bài vị thổ thần và các tổ dòng họ được nhân dân rước từ đền đi vòng quanh làng. Ngoài đội kiệu, đoàn rước còn có các đội: múa sư tử, cờ thần, cờ ngũ sắc, phường bát âm, phụng nghinh, bát biểu, chấp kích, tế nam, nữ quan… 

Cùng với các nghi thức tế lễ trang trọng, lễ hội làng Thiên Bình còn có các trò chơi dân gian như: kéo co, vật, cờ tướng, leo cầu ngô cạn… Buổi tối tại sân đền diễn ra hoạt động văn nghệ với các tiết mục biểu diễn ca múa nhạc, các trích đoạn chèo cổ do đội văn nghệ làng Thiên Bình dàn dựng. 

Cùng với lễ hội Đền Trần làng Thiên Bình, lễ hội Đền Trần làng Thịnh Phú cũng được duy trì tổ chức trang trọng vào ngày kỵ của Đức Thánh Trần 20-8 âm lịch. Trong các lễ hội Đền Trần ở xã Nghĩa Bình hàng năm còn có sự tham gia của các đội kèn đồng, trống, trắc giáo xứ Phương Lạc với nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc thể hiện tình đoàn kết lương - giáo. 

Lễ hội Đền - Chùa Hà Dương được tổ chức mỗi năm 2 lần vào dịp ngày kỵ Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch) và ngày kỵ của Chiêu Hải Đại Vương Nguyễn Đèn 21 đến 23 tháng Giêng. Các lễ hội được dân làng tổ chức với nhiều hoạt động văn hoá, tâm linh như: múa rồng, rước kiệu, thi làm bánh dầy, nặn tò he, thi đấu cờ người, hát chèo… 

Lễ hội truyền thống tại Đền Tân Liêu được nhân dân địa phương tổ chức vào lúc nông nhàn “xuân, thu nhị kỳ” trong các ngày mồng 6, 7 tháng Giêng và 13, 14, 15-8 âm lịch. Lễ hội đầu năm nơi đây được gọi là lễ hội Minh Niên. Trong ngày hội dân làng tổ chức tế, lễ ở đền để cầu may nhân dịp đầu năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người chúc tết, hỏi thăm nhau, tặng nhau những món quà đầu xuân. 

Trong lễ hội Minh Niên còn có lễ Yến lão mừng thọ các cụ cao niên trong làng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ hội tháng 8 được tổ chức tưởng nhớ Đức Thánh Trần.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL về phân cấp quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, những năm qua, huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Đối với các di tích được Nhà nước xếp hạng, các xã trong huyện đều thành lập Ban quản lý di tích, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo nếp sống văn minh, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bài trừ mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, dân vũ. 

Công tác kiểm kê, tu bổ, chống xuống cấp và xâm hại các di tích được chính quyền và nhân dân tham gia tích cực, góp phần giáo dục truyền thống văn hiến của quê hương, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực trong định hướng phát triển du lịch tâm linh tại địa phương.