Dòng họ Ngô Tiêm đất Ý Yên của Nam Định có cụ Tổ đỗ tiến sỹ, là một trong 100 nhà khoa bảng họ Ngô

Thứ sáu, ngày 04/11/2022 19:19 PM (GMT+7)
Tiến sĩ Ngô Tiêm (1749-1818), còn gọi là cụ Nghè Đằng, tên tự là Nhật Thăng, sinh ngày mùng 5 tháng 2 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng 10 (1749), người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh xưa, nay là xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Bình luận 0

Ngày 14-10-2021, các thế hệ con cháu dòng họ Ngô (họ Ngô Văn) ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vô cùng xúc động, tự hào khi Từ đường họ Ngô là 1 trong 10 di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh (Quyết định số 2221/QĐ-UBND). 

Đây là nơi thờ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Tiêm, một trong các bậc đại khoa được khắc bia đá vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ông cũng là một trong gần 100 nhà khoa bảng thời xưa của dòng họ Ngô Việt Nam.

Từ thành phố Nam Định, theo Quốc lộ 10 đi về hướng tỉnh Ninh Bình, khoảng hơn 20km đến địa phận xã Yên Tiến rẽ trái vào đường Đinh Đức Thiện, qua Đình Cát Đằng rẽ vào xóm Tân Hưng, đi tiếp 200m là đến Từ đường họ Ngô (Cũng có đường khác đến thị trấn Gôi rẽ trái vào Quốc lộ 37B, sau đó rẽ phải vào đường Đinh Đức Thiện, đi qua sông Sắt đến cổng làng Cát Đằng, từ đây rẽ trái vào xóm Tân Hưng, đi tiếp 200m là đến di tích). 

Từ đường họ Ngô nằm ở vị trí trung tâm xã Yên Tiến, gần các di tích Đình Cát Đằng và Đình Trung Thôn.

Dòng họ Ngô Tiêm đất Ý Yên của Nam Định có cụ Tổ đỗ tiến sỹ, là một trong 100 nhà khoa bảng họ Ngô - Ảnh 2.

Từ đường họ Ngô - Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Tiến sĩ Ngô Tiêm (1749-1818), còn gọi là cụ Nghè Đằng, tên tự là Nhật Thăng, sinh ngày mùng 5 tháng 2 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng 10 (1749), người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh xưa, nay là xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. 

Về năm mất của ông, theo gia phả dòng họ ghi năm 1822. Theo các tư liệu gia phả dòng họ và hồ sơ di tích, Tiến sĩ Ngô Tiêm sinh ra, lớn lên trong gia đình và dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều đời công hầu khanh tướng nên ông thông minh, hiếu học từ nhỏ. 

Mặc dù đến đời cha mẹ ông gia đình đã bị sa sút song ông rất ham học. Lúc nhỏ theo cha đi làm thợ sơn ở khắp nơi, hết việc ông lại tìm đến chỗ dạy học để đứng ngoài nghe thầy giảng. Sau nhiều năm miệt mài đèn sách tự học, đến năm 31 tuổi đi thi và đỗ Tiến sĩ tại Khoa thi Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Vua Lê Hiển Tông. 

Sau khi đỗ đạt, Tiến sĩ Ngô Tiêm được tổ chức rước “vinh quy bái tổ”, ban đất lập Dinh. Ông từng được bổ giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình: Công khoa cấp sự trung, Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây (nay thuộc địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây); Đốc đồng, Hàn lâm thị chế bồi thần tỉnh Lạng Sơn, được phép dùng nghi lễ Thiên tử để tiếp sứ thần; Đông Các hiệu thư, Phó đô ngự sử gia thêm hà Vinh lộc đại phu thống lĩnh nghĩa sĩ theo hầu Vua Lê, bảo hộ Hoàng thất. 

Năm 1789 Vua Lê ban thưởng phong cho ông tước Nghĩa Phái hầu. Đến đời Vua Gia Long, ông được phong chức Thái hòa điện Học sĩ, kiêm Đốc học 2 tỉnh Tuyên Quang và Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ), phong tước Mỹ Phái hầu; được vua ban tặng 4 chữ: “Thanh tiết khả thượng”, có tài liệu ghi “Thanh tiết như thượng” (Nghĩa là: Danh tiết trong sạch). 

Khi cáo quan về quê hương ở thôn Cát Đằng, ông mở trường dạy học, lấy hiệu là Doanh Hải. Học trò của ông nhiều người thành đạt, trong đó có Hoàng giáp tam đăng Phạm Văn Nghị. 

Tại di tích Đền Tướng Loát ở xã Yên Trị (Ý Yên) còn lưu đôi câu đối của Tiến sĩ Ngô Tiêm, quan Học sĩ Điện Thái Hòa viết năm 1782: “Thảo lai lập ấp thiên niên tại/Chinh chiến an dân vạn cổ tồn” (Dịch nghĩa: Lau lách dựng xóm làng, muôn thuở lòng người tưởng nhớ/ Đánh giặc yên dân chúng, ngàn năm sử sách lưu truyền). 

Năm Đinh Tỵ (1797), để tri ân công đức của các bậc tiền nhân, bày tỏ lòng trung hiếu cũng như giúp nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng, ông đã bỏ công sức, tiền của cùng nhân dân địa phương đúc chuông và đúc tượng Tiên đế - Đinh Tiên Hoàng bằng đồng đặt tại Đình Cát Đằng để thờ cúng.

Từ đường họ Ngô được xây dựng cách đây khoảng 200 năm sau khi Tiến sĩ Ngô Tiêm từ quan, đưa gia quyến về quê hương làng Cát Đằng sinh sống. Ngôi từ đường ban đầu được xây dựng quy mô đơn giản 3 gian bằng chất liệu gỗ lim, mặt quay hướng Nam. 

Trải qua thời gian chịu sự tàn phá của chiến tranh và tác động của thời tiết, ngôi Từ đường từng bị xuống cấp, hư hại nặng. Đến năm 1952, con cháu dòng họ đã khôi phục lại 3 gian đúng như kiến trúc cũ và nỗ lực gìn giữ, đóng góp công đức trùng tu tôn tạo đến ngày nay. 

Năm 2018, theo nguyện vọng của con cháu trong dòng họ Ngô mong muốn bày tỏ lòng tri ân bậc tiền nhân, đóng góp công đức xây sửa Từ đường cho tương xứng với công lao, vị thế của ông đối với đất nước, quê hương và dòng họ. Từ đường được xây sửa theo kiến trúc truyền thống kiểu chữ “Nhị”, gồm gian tiền đường và hậu đường, đáp ứng nhu cầu thực hành các nghi lễ của dòng họ vào các dịp lễ hội.

Tại di tích Từ đường họ Ngô ngày nay còn lưu giữ được một số hiện vật, sắc phong có giá trị với các chất liệu khác nhau như: đá, gỗ, sứ, đồng, giấy… Trong đó, đặc biệt còn tấm bia đá lập cách đây 174 năm, do chính Hàn lâm viện Thị độc Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị khắc vào năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức, nội dung biên soạn về thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Ngô Tiêm, dựng trong khuôn viên di tích, phía trước Từ đường. 

Cũng tại Từ đường hiện còn có câu đối gỗ do Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị đề bút, ca ngợi công tích và tinh thần trung hiếu của ông: “Tam giáp quan bào tiêu xích xí/ Cửu trùng ba cổn trạng đan tâm”. (Dịch là: Mang áo mũ hàng Tam giáp nêu cao sự nghiệp/ Hưởng vinh hoa của triều đình tỏ rõ lòng son).

Tiếp nối truyền thống võ công, khoa bảng của các bậc tiên tổ dòng họ Ngô, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cứu nước, ngôi Từ đường và con cháu dòng họ Ngô đã có những đóng góp không nhỏ cho cách mạng. 

Từ đường từng là một trong những địa điểm phục vụ hội họp của Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Tân Cát và các tổ chức đoàn thể; địa điểm tổ chức các lớp “bình dân học vụ” xoá nạn mù chữ cho nhân dân trong vùng hưởng ứng lời kêu gọi diệt “giặc dốt, giặc đói” của Bác Hồ. Con em dòng họ Ngô nhiều người tham gia kháng chiến; nhiều người đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. 

Ngày nay con cháu họ Ngô luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, phát luật của Nhà nước, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước; không ngừng phấn đấu, thành đạt cả trong sự nghiệp khoa cử và làm kinh tế. 

Trong học tập, hầu hết các gia đình đều có con cháu tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân. Hiện nay dòng họ đã có 18 thạc sĩ và 3 tiến sĩ; gần 100 người là cán bộ lãnh đạo, sĩ quan quân đội, công viên chức công tác tại các cơ quan ở nhiều địa phương trên cả nước. 

Trong lĩnh vực làm kinh tế, dòng họ hiện có 12 doanh nghiệp trẻ, vừa gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương, làm giàu chính đáng, vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Năm 2019, dòng họ vinh dự được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ý Yên tặng bức trướng “Dòng họ học tập xuất sắc”.

Hàng năm, vào 2 kỳ lễ chính tại Từ đường (tháng 2 và tháng 5 âm lịch) hay dịp Tết cổ truyền, Thanh minh, con cháu dòng họ Ngô đi làm ăn, công tác ở mọi miền lại tụ họp về Từ đường dâng hương kính tổ, tri ân công đức, báo công với tổ tiên, góp phần giáo dục truyền thống, lưu truyền những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc. 

Trong đó, dịp giỗ Cụ tổ Ngô Tiêm (29-5 âm lịch) dòng họ kết hợp tổ chức tuyên dương khen thưởng con cháu đạt thành tích cao trong học tập nhằm động viên, khích lệ, hỗ trợ các cháu cố gắng, vượt khó vươn lên.

Từ đường họ Ngô xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh có ý nghĩa lớn động viên cổ vũ tinh thần các thế hệ con cháu nỗ lực phấn đấu gìn giữ, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dòng họ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Anh Thi (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem