Chuyện lạ về hàng nghìn chiếc áo nhung dâng Bà Chúa Xứ núi Sam, vì sao không ai dâng áo màu trắng?
Chuyện lạ về hàng nghìn chiếc áo nhung dâng lên Bà Chúa Xứ núi Sam, vì sao không ai dâng áo màu trắng?
Thứ bảy, ngày 10/06/2023 19:03 PM (GMT+7)
Sau vẻ rực rỡ của chiếc áo, là tấm lòng thành kính của người dân gửi gắm đến Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Chiếc áo được dệt nên, dâng lên bà bằng một tín ngưỡng dân gian vô cùng mãnh liệt...
Những chiếc áo có cùng kích thước: Ngang 1,8m, dài 2m, chất liệu nhung đủ màu (nhưng hầu như không ai dâng áo màu trắng cho Bà, điều này chưa lý giải được).
Theo truyền thuyết, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Phải nhờ 9 cô gái đồng trinh mới đưa Bà xuống núi được. Quá trình lập miếu thờ, người dân đã may áo cho Bà. Dần dần, phong tục dâng áo cúng Bà được lưu truyền rộng rãi.
Theo thời gian, công nghệ hiện đại, chiếc áo cũng dần được may với chất liệu tốt hơn, đính hột đá, cườm lấp lánh, kỳ công hơn; tạo hình rồng, phụng, hạc…, nhưng vẫn trên nền vải nhung.
Những chiếc mão được thực hiện công phu, đủ màu sắc, kiểu dáng, có thể nặng từ 2-3kg đến vài chục kg. Mão thường giá 1,8 triệu đồng; loại đắt tiền hơn có mức giá 6 triệu đến hàng chục triệu đồng.
Hiện nay, toàn bộ nhung y cúng bà đều được gia công từ TP. Hồ Chí Minh, chứ người dân địa phương chưa thực hiện được. Theo chị Như (cửa hàng An Bình, đường Hoàng Diệu), những vật phẩm này được bán đắt nhất vào dịp đầu năm và cuối năm, khi nhu cầu cúng lễ, trả lễ Bà tăng cao.
Anh Trần Minh Đăng (ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) thường tìm mua các vật phẩm cúng Bà theo thông lệ hàng năm của gia đình. “Mẫu mã rất phong phú, giá cả cũng tùy thuộc chất liệu, nơi bán, nên tôi thường tìm hiểu nhiều cửa hàng trước khi đặt mua” – anh Đăng chia sẻ.
Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng nhung y dâng Bà có lúc lên đến 7.000 – 8.000 chiếc áo.
Để ghi nhận tấm lòng khách thập phương, Ban Quản trị thực hiện phương án choàng cùng lúc nhiều chiếc áo cho Bà. Đối với áo thêu tương đối cầu kỳ, chiếm diện tích, chỉ mặc tối đa 3 chiếc/lần. Còn áo thường có thể mặc được 7-8 chiếc/lần.
Hàng tháng, Ban Quản trị tổ chức thay áo, mão cho Bà 2 lần: Vào tối 13, sáng 14 âm lịch; tối 28, sáng 29 âm lịch (tháng thiếu) hoặc tối 29 sáng 30 âm lịch (tháng đủ). Áo, mão được chọn theo hình thức bốc thăm.
Người may mắn sẽ được cho hay trước, sắp xếp làm lễ cúng áo, mão dâng cho Bà. Đặc biệt, 5 ngày lễ chính mùa Vía Bà (từ lễ tắm bà 23/4 âm lịch đến 27/4 âm lịch), chỉ mặc duy nhất 1 áo cho bà, vật phẩm cũng từ quá trình bốc thăm chọn lễ vật của người dân.
Những chiếc áo đã được Bà khoác, sau khi “xuống áo” sẽ được tập hợp lại, chuyển sang công đoạn cắt ra làm lộc gửi tặng khách viếng Bà. Theo tâm linh, chiếc áo đã được Bà khoác sẽ mang đến may mắn, tài lộc cho người nhận.
Những chiếc áo đẹp, có giá trị cao được lưu giữ tại phòng trưng bày của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Nhiều chiếc áo lên đến 200 – 300 triệu đồng, theo lời người dâng cúng. Có những chiếc áo chưa thể bốc thăm trúng, chưa được khoác cho Bà, nhưng vẫn được đưa vào khu trưng bày vì rất đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, số lượng vật phẩm cúng Bà rất lớn, khu trưng bày không thể kham xuể, đang định xây dựng, mở rộng thêm. Nhiều chiếc mão kích thước lớn hơn so với truyền thống, được lưu giữ riêng.
Hiện, đơn vị mở cửa phòng trưng bày từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày, giúp du khách thuận tiện tham quan. Đa số đều trầm trồ, thích thú trước những chiếc áo đủ màu, kết đá uy nghi, nặng trĩu.
Sau khi tham quan, cúng viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, người dân sẽ được nhận lộc miễn phí. Đó là những mảnh vải nhung trơn hoặc vải còn kết đá, cườm, cắt ra từ áo Bà đã khoác. Đây là món quà ý nghĩa dành tặng cho khách du lịch, giúp họ thêm niềm tin tâm linh, mong muốn quay trở lại khu du lịch quốc gia này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.