Dân Việt

Lan tỏa vị cà phê Khe Sanh từ dãy Trường Sơn huyền thoại

Hà - Trang 13/06/2023 06:33 GMT+7
Tôi vào thăm đồi Pun bằng chuyến tàu hỏa Hà Nội – Quảng Trị và ngồi ôtô từ TP. Đông Hà đến xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Tại đây, tôi gặp vợ chồng Lương Ngọc Trâm – Phan Hồng Phong, được nghe câu chuyện về Pun, trực tiếp nếm thử các vị cà phê khác nhau dưới bàn tay "ma thuật" của Phong.
Lan tỏa vị cà phê Khe Sanh từ dãy Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 1.

Tâm niệm về "cà phê sạch"

Lương Ngọc Trâm tâm niệm: "Đến giờ, cái mình tự hào nhất trong làm cà phê của mình chính là "sạch", cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói chi xa xôi, mỗi ngày mình đã dùng bình quân 3 bình, chưa kể những lúc căng thẳng họp hành, thức uống duy nhất của mình là cà phê... Nếu cà phê không sạch, đứa chết đầu tiên là mình, đừng nói chi khách hàng đâu xa. Mình dùng nguyên bản hạt cà phê Khe Sanh, có lẽ cái hơn của mình so với các nhà chế biến khác chính là cách đánh giá hàm lượng đường quân bình trước khi quyết định chế biến phương pháp nào và thời gian phơi. Việc tụi mình phơi cà phê, điều tiết mức độ dày mỏng theo nhiệt độ là cái mình thấy ngưỡng mộ mình nhất. Cà phê với người khác là cạnh tranh, là thương trường, với mình đó là tình yêu, đam mê và sự tự hào, đơn giản như vậy thôi. Mọi người cứ đến Pun đi rồi biết".

Lời tự sự của Lương Ngọc Trâm - một trong những người đầu tiên sáng lập Pun Coffee đã đưa chúng tôi từng bước khám phá về một trong những thương hiệu cà phê đặc sản xuất xứ từ vùng Khe Sanh (Quảng Trị) đầy kỳ thú, mà ở đó mỗi hương vị cà phê mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời.

Lan tỏa vị cà phê xanh từ dãy Trường Sơn  - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Phan Hồng Phong - Lương Ngọc Trâm tự tay lựa chọn từng hạt cà phê để làm nên hương vị đặc sắc của Pun Coffee. Ảnh: H.T

Pun Coffee đã liên tục được vinh danh "Giải nhất cà phê đặc sản Việt Nam dòng Arabica" trong 2 năm 2021 và 2023. Năm 2023, Giám đốc Epson châu Á chọn Pun làm cà phê quảng bá đi kèm sản phẩm của họ tại thị trường châu Á. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Pun Coffee được giải cà phê rang quốc tế lần thứ 8 tại Paris (Pháp) do tổ chức AVPA bình xét.

Không phải ngẫu nhiên, Pun Coffee đã được vinh danh "Giải nhất cà phê đặc sản Việt Nam dòng Arabica" trong 2 năm 2021 và 2023. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc Epson châu Á chọn Pun làm cà phê quảng bá đi kèm sản phẩm của họ tại thị trường châu Á năm 2023. 

Tự hào hơn nữa là, cuối năm 2022 đầu năm 2023, Pun Coffee được giải cà phê rang quốc tế lần thứ 8 tại Paris (Pháp) do tổ chức AVPA bình xét...

Mang rừng về vườn

Đến thời điểm này, giấc mơ phủ xanh cà phê hữu cơ với các cây tán rộng, có sinh kế che bóng cho vườn cà phê được nhen nhóm với tất cả đam mê, sự tri ân và khát khao khôi phục, củng cố và nhân rộng giá trị cà phê Khe Sanh đã từng bước được hiện thực một cách chắc chắn, đầy tự tin từ cặp vợ chồng có tình yêu mãnh liệt với cà phê. 

"Chúng tôi làm cà phê trên tinh thần gắn liền sinh kế bền vững và bình đẳng giới đối với đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Pun Coffee xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chí nông lâm kết hợp, tạo sự đa dạng sinh học từ vườn cà phê giúp người nông dân chủ động các nguồn thu nhập từ vườn. 

Lan tỏa vị cà phê Khe Sanh từ dãy Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 3.

Anh Phan Hồng Phong kiểm tra chất lượng cà phê. Ảnh: V.H

Là một doanh nghiệp nhỏ bé nơi dãy Trường Sơn, Pun Coffee tri ân vùng đất này bằng những dự án hỗ trợ trẻ em và phụ nữ dân tộc Vân Kiều có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Ngoài ra, Pun còn tham gia hỗ trợ khẩn cấp thiên tai bão lũ tại địa phương nhằm bước đầu giúp đỡ người dân gặp khó khăn ổn định cuộc sống" - chị Lương Ngọc Trâm chia sẻ.

Cũng theo chị Trâm, Pun Coffee xác định mang đến cho khách hàng sản phẩm cà phê đặc sản được trồng từ những triền núi chảy dài theo dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị; được chăm sóc, thu hái và chế biến theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới SCA, do chính những người đồng bào thiểu số Vân Kiều thực hiện; được rang xay thành phẩm đóng gói tại nhà xưởng đạt tiêu chuẩn ISO 22000-2018, HACCP và kỹ thuật rang được chứng nhận bởi SCA.

Lan tỏa vị cà phê xanh từ dãy Trường Sơn  - Ảnh 3.

Mô hình vườn cà phê đa dạng sinh học của Pun. Ảnh: P.C

"Thương hiệu Pun Coffee ra đời năm 2018 dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, đến năm 2019 chúng tôi thành lập Công ty TNHH Pun Coffee, đó là chuỗi quá trình sau hơn 10 năm chuyên gia công cà phê nhân xanh cho các thương lái, nhãn hàng, doanh nghiệp khác nhau. Pun Coffee tập trung vào mảng cà phê nhân chất lượng cao (thuộc nhóm cà phê đặc sản) và cà phê rang xay đầu cuối. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã tham dự các khóa học khác nhau từ: Đào tạo sơ chế cà phê nhân xanh – đào tạo về rang xay và khóa học barista chuyên nghiệp…"- Phan Hồng Phong, "bậc thầy" pha chế cà phê, người đồng sáng lập Pun, tâm sự.

Ngay từ khi thành lập, Pun Coffee đã chọn là loại hình doanh nghiệp hoạt động theo hướng lợi ích cộng đồng gắn liền sự phát triển doanh nghiệp. Năm 2022, Pun Coffee vinh dự nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Chương trình Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

Xác định một cách rõ ràng rằng, mô hình nông lâm kết hợp mang lại giá trị bền vững với việc loại bỏ hóa chất ra khỏi việc canh tác cà phê, hướng tới mục tiêu canh tác nông nghiệp cà phê bền vững; cải tạo dinh dưỡng cho đất thông qua việc thay đổi thói quen canh tác, giúp đất giàu dinh dưỡng hơn, kết cấu bền vững, chống sạt lở; người nông dân giảm chi phí khi chuyển đổi vườn cà phê độc canh sang mô hình cà phê vườn rừng đa dạng sinh học nông lâm kết hợp, chất lượng quả cà phê cải tiến rõ rệt khi sản lượng cà phê từ vườn cảnh quan cao hơn so với vườn độc canh thông thường, Pun quyết tâm phải làm bằng được và làm tốt "mang rừng về vườn".

Lan tỏa vị cà phê Khe Sanh từ dãy Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 5.

Thử độ pH của cà phê. Ảnh: V.H

Anh Hồ Văn Chinh - dân tộc Vân Kiều, hiện là Trưởng thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, là 1 trong 10 hộ gia đình tham gia vào Dự án của Pun với ước mong phủ rộng các mảnh vườn cà phê hữu cơ có cây tán rộng che bóng mát, chia sẻ: "Anh Phong yêu cà phê lắm, anh gặp các hộ gia đình tâm huyết với cà phê, nói chuyện, tâm sự, rồi hướng dẫn kỹ thuật từ chọn giống, ươm bầu, nhân giống, trồng cây bóng mát (anh cam kết sẽ dành tặng 300-500 cây cho 10 hộ)… và đặc biệt là cách chăm sóc cây cà phê sạch. Anh Phong bảo, trồng và chăm sóc cà phê sạch, cà phê hữu cơ sẽ mất công hơn, khó hơn nhưng giá trị chắc chắn sẽ được nâng lên, bán được giá hơn, vì thế, gia đình mình cùng 9 gia đình khác đều yên tâm tin tưởng và làm theo, quyết tâm làm đến cùng luôn".

Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết thêm, địa phương hiện có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó địa phương đang đề xuất nâng cấp lên 4 sao với 1 sản phẩm là cà phê của Pun.

Pun Coffee không chỉ là cà phê, mà ở đó còn kể câu chuyện giữa đêm Trường Sơn huyền thoại, với văn hóa đồng bào Vân Kiều trong làn khói lam quanh bếp lửa hồng, kể lại những nỗ lực của những người "nhà Pun" và câu chuyện cà phê xanh, thế giới xanh trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu từ cà phê. 

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).