Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 21/05/2023 18:45 PM (GMT+7)
Thanh niên ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng. Tuy thu nhập không quá cao nhưng khá ổn định, lại ít tốn thời gian.
Bình luận 0

Áp dụng công nghệ trồng nấm bào ngư

Vài năm trở lại đây, cuộc sống gia đình anh Đỗ Sỹ Trí (SN 1994, trú thôn Lương Tài Xá, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong) đã vơi bớt khó khăn nhờ trồng nấm bào ngư xám.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 1.

Anh Đỗ Sỹ Trí phấn khởi giới thiệu mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình đem lại thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Vũ.

Dẫn chúng tôi thăm nhà trồng nấm bào ngư của mình, anh Trí cho biết, năm 2017, sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm Địa lý, Đại học Sư phạm Huế, anh vào TP Đà Nẵng làm ở công ty nội thất. Công việc đang ổn định thì gia đình xảy ra biến cố, bố của anh Trí – trụ cột gia đình đột ngột qua đời. Thương mẹ ở nhà bôn ba cực khổ nuôi em gái ăn học, anh Trí quyết định trở về gánh vác việc nhà.

Đang loay hoay không biết làm gì ở quê thì anh Trí bất ngờ xem được chương trình nông nghiệp nói về việc trồng nấm bào ngư cho thu nhập khá cao. Thế là anh Trí mày mò tìm hiểu để khởi nghiệp.

Năm 2018, anh Trí tìm đến Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị học hỏi kỹ thuật, mua 1.000 phôi nấm bào ngư về trồng trong lán trại 35m2.

"Ban đầu mình chưa có kinh nghiệm nên phải mua phôi giống của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị về chăm sóc, khi thấy hiệu quả mới quyết định theo đuổi nghề" – anh Trí chia sẻ.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 2.

Để bán nấm giá cao, anh Trí căn chỉnh thời gian để nấm phát triển, thu hoạch đúng vào các ngày 14, 15 và 30 hàng tháng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Sau vài tháng, bằng nỗ lực, tinh thần ham học hỏi, anh Trí đã nắm vững kiến thức trồng nấm bào ngư nên mạnh dạn vay 100 triệu đồng xây dựng thêm 2 lán trái 80m2 để trồng nấm.

Anh Trí cho biết, trồng nấm bào ngư có nhiều yếu tố quyết định đến thành công. Đầu tiên phải mua được nguồn giống chất lượng. Thứ hai là phải hấp cất thuỷ giá thể dinh dưỡng để khử khuẩn, diệt các vi trùng có hại. Giá thể dinh dưỡng gồm mùn cưa, cám gạo, cám bắp và phải đóng vào gói có nắp để kiểm soát quá trình sinh trưởng của nấm.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 3.

Sau khi thu hoạch nấm, anh Trí sẽ đóng nắp phôi. Chờ đến ngày 10 và 25 hàng tháng sẽ mở ra để nấm phát triển, kịp bán vào dịp rằm và 30 hàng tháng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Điều quan trọng nữa là phải giữ độ ẩm để nấm phát triển. Vì vậy, anh Trí đã học hỏi, tự tay lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, hẹn giờ và điều kiện bằng điện thoại. Vào mùa hè, nắng ở Quảng Trí được ví như chảo lửa nên anh Trí cài đặt hẹn giờ 30 phút hệ thống phun sương sẽ tưới cho nấm một lần. Hơn nữa, xung quanh nhà nấm phải dùng bạt, lưới, nilon bao bọc kín nhằm giữ độ ẩm tốt hơn.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 4.

Anh Trí tìm hiểu, tự tay lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, cài đặt thời gian tưới để tiết kiệm thời gian chăm sóc nấm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Với mỗi phôi nấm có thể cho thu hoạch từ 7 đến 8 lứa trong thời gian 4 tháng. Giá bán hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg, với 1.000 bịch phôi, anh Trí có thể thu hoạch được 1,5 đến 2 tạ nấm/lứa. Tính bình quân, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh Trí có lãi khoảng 60 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, không còn phụ thuộc vào độc canh cây lúa như trước.

"Khoảng 2h sáng mình thức dậy hái nấm, sau đó đem bán sỉ cho các thương lái, đến 6h mọi việc xong xuôi có thể đi làm việc khác để kiếm thêm thu nhập. So với các mô hình khác, thu nhập từ trồng nấm không quá cao nhưng ổn định, không mất quá nhiều thời gian vì đã có hệ thống tưới tự động lo liệu" – anh Trí chia sẻ.

Nuôi vịt ấp trứng thu nhập ổn định

Xã Triệu Hoà được xem là cái nôi của nghề nuôi vịt ấp trứng. Nghề này đã có truyền thống hàng chục năm nay, cha truyền con nối. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan Chi (SN 1991, trú thôn Mỹ Lộc) là ví dụ điển hình.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 5.

Gia đình chị Lan Chi (ngoài cùng bên phải) nuôi vịt ấp trứng bên sông Vĩnh Định. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tận dụng vùng đất ven sông Vĩnh Định, gia đình chị Chi dựng lán trại nuôi thường xuyên khoảng 1.300 con vịt (800 vịt bầu, 500 vịt cỏ). Cứ 3h sáng hàng ngày, gia đình chị thức dậy nhặt khoảng 1.000 quả trứng đem về nhà cho vào 3 lò ấp. Sau 16-17 ngày, tiểu thương sẽ đến tận nhà thu mua trứng lộn. Khi có đơn đặt hàng, gia đình chị có thể ấp trứng (26-27 ngày) nở thành vịt con bán giống đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Vịt 6 tháng tuổi có thể đẻ trứng. Mỗi con vịt có thể đẻ trong vòng 1,5 năm, sau đó đem bán để nuôi lứa mới. Tuy thu nhập không quá cao nhưng mỗi tháng gia đình chị Chi cũng thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ nghề nuôi vịt ấp trứng.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 6.

Mỗi ngày gia đình chị Lan Chi cho vịt ăn 2 lần vào sáng và tối, thời gian còn lại vịt được hoạt động dưới nước. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Sáng và tối dành khoảng 3 giờ đồng hồ cho vịt ăn, nhặt trứng cho vào lò ấp, thời gian trong ngày gia đình tôi làm việc khác. Chúng tôi mong rằng giá thức ăn giảm xuống, giá bán trứng và vịt giống ổn định để tăng thêm nguồn thu" – chị Chi chia sẻ.

Gia đình anh Lê Thành Chung (SN 1994, thôn Hữu Hoà, xã Triệu Hoà) cũng nuôi vịt ấp trứng từ năm 2018. Với 800 con vịt mái và 200 con vịt trống, mỗi ngày gia đình anh Chung thu trên dưới 700 quả trứng. Sau thời gian ấp nở, anh Chung bán vịt giống cho các đầu mối.

Thanh niên Quảng Trị trồng nấm bào ngư, nuôi vịt ấp trứng, ít tốn thời gian mà thu nhập ổn định - Ảnh 7.

Mỗi con vịt bầu ở trại anh Chung nặng khoảng 4kg, sức đẻ tốt, quả to, tỷ lệ ấp nở đạt khoảng 90%. Có được điều đó là nhờ anh đã chú trọng công tác phòng bệnh và chăm sóc tốt cho đàn vịt. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo anh Chung, khi làm tốt công tác phòng bệnh thì tỷ lệ vịt sống cao, nhanh lớn, đẻ nhiều, quả to, tỷ lệ ấp nở đạt trên 90%.

"Với quy mô nhỏ nên thu nhập còn hạn chế, nhưng so với độc canh cây lúa thì nuôi vịt ấp trứng vẫn cao hơn, cuộc sống khá ổn định" – anh Trung chia sẻ.

Ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhất là các xã vùng đồng bằng đất chật người đồng nên người dân gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, những mô hình nuôi vịt ấp trứng hay trồng nấm bào ngư đang cho thấy hiệu quả, giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo, quan trọng hơn là phá thế độc canh cây lúa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem