Dân Việt

Khuyến nông thay đổi tư duy và hành động, xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp

Minh Huệ 21/06/2023 05:35 GMT+7
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, văn minh, lực lượng cán bộ khuyến nông được đánh giá có vai trò hỗ trợ, dẫn dắt người nông dân tham gia quá trình này.

Nhưng để làm được điều đó, bản thân người cán bộ khuyến nông cũng cần được nâng cao năng lực, trở thành người cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi mới của sản xuất là xây dựng người nông dân chuyên nghiệp.

Khuyến nông thay đổi tư duy và hành động

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Lê Minh Hoan, tri thức hóa nông dân là điều các quốc gia phát triển đã làm để biến người nông dân thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình. Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường.

gop/Xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Cán bộ khuyến nông Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang bàn giao con giống cho hộ tham gia mô hình. Ảnh: T.L

"Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các bộ, ban, ngành cần nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng và hỗ trợ kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ khuyến nông cộng đồng tại các thôn bản, gia tăng năng lực của cán bộ khuyến nông địa phương, tạo chiều sâu cho các hoạt động khuyến nông trên cả nước...".

Ông Lê Quốc Thanh

Nhận thức rõ yêu cầu này, thời gian qua Khuyến nông Việt Nam đã chủ trì xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng". 

Ban đầu, mục tiêu của đề án đặt ra là thí điểm thành lập lực lượng khuyến nông ở 13 tỉnh trong phạm vi của đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều tỉnh, địa phương ngoài đề án đã tự tìm hiểu, tự thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng ở địa phương với sự tham gia của đông đảo thành phần, như cán bộ khuyến nông, cán bộ HTX, cán bộ nông nghiệp, nông dân sản xuất giỏi…

Sản xuất bây giờ không như trước, không phải con trâu đi trước cái cày theo sau, mà đòi hỏi áp dụng cơ giới hoá đồng bộ, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để giúp tăng năng suất, giảm giá thành, chống chịu tốt với sâu bệnh, thời tiết; người nông dân bây giờ cũng phải biết về thị trường, các tiêu chuẩn an toàn để làm ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời còn phải biết ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0…

Trong nhiều buổi tập huấn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đều nhấn mạnh về vai trò của đội ngũ khuyến nông, yêu cầu đội ngũ cán bộ khuyến nông phải thay đổi.

gop/Xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của nông dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: N.T

"Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế. Do đó, hệ thống khuyến nông cũng phải chuyển mình để tiếp cận đến đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả và tăng trưởng xanh. Hoạt động khuyến nông không thể duy trì cách làm như truyền thống, mà sẽ phải chuyển đổi, đổi mới theo hướng tiếp cận hiện đại hơn, tiếp cận nông nghiệp gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất, đi liền với nhiệm vụ này thì các nhiệm vụ của khuyến nông cũng phải thay đổi" - ông Thanh nhấn mạnh.

"Mô hình khuyến nông sẽ đi về đâu? Làm mô hình nuôi gà, nuôi lợn thì phải biết con gà con lợn ấy đi về đâu chứ cán bộ khuyến nông không thể nói là chúng tôi chỉ làm mô hình trình diễn. Nghĩa là người khuyến nông phải chuyên nghiệp lên, để từ đó hình thành lớp lớp người nông dân chuyên nghiệp" – ông Lê Quốc Thanh khẳng định.

Tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông

Được biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang xây dựng dự thảo đề án nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, dự thảo đề án nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; dự thảo đề án chuyển đổi số hoạt động khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025. Với định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, các đề án sẽ là cơ hội để khuyến nông tiếp cận phương thức mới và nâng cao chất lượng hoạt động.

"Có thể nói, đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở chính là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông - chúng tôi gọi là hỗ trợ phần mềm - sẽ tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất. Người nông dân có sản xuất đúng quy trình hay không, cũng cần đến lực lượng khuyến nông. Người nông dân có kết nối được thị trường hay không, cũng cần đến lực khuyến nông" - ông Thanh khẳng định.

Trên cơ sở đó, các tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu được đào tạo huấn luyện để chuẩn bị với mong muốn ngoài thực hiện công tác khuyến nông truyền thống, còn phải biết kết nối thị trường, doanh nghiệp, biết mua bán ở đâu để tư vấn cho nông dân.

Để thúc đẩy môi trường sản xuất nông thôn thì tổ khuyến nông cộng đồng này cũng phải am hiểu HTX và tư vấn cho người dân tham gia vào HTX như thế nào, ký hợp đồng mua bán nông sản ra sao..., đồng thời tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như ghi chép sổ nhật ký điện tử, hợp đồng online, đưa sản phẩm quảng bá trên sàn thương mại điện tử…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan từng nói, cùng với kinh nghiệm "trông trời, trông đất, trông mây/trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm", những "lão nông tri điền" ngày nay còn có thể "trông vào các thiết bị thông minh", nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp, cán bộ khuyến nông. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích lũy từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức "đám mây", kết nối "dữ liệu số" có thể giúp tạo nên những "nhà khoa học chân đất", khởi tạo những giá trị mới.

Người cán bộ khuyến nông sẽ có nhiệm vụ lan toả tri thức, kỹ năng để có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất mới, tham gia các chuỗi liên kết với tổ hợp tác, HTX, bắt tay với doanh nghiệp để kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Khuyến nông sẽ giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, đội ngũ khuyến nông phải trở thành cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu lớn. Qua đó, giúp đỡ nông dân về mặt tiến bộ kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng nông sản đạt chuẩn chế biến, xuất khẩu, tạo cho nông dân và doanh nghiệp có mối liên hệ bền chặt…