Loại cây ăn trái đặc sản nào trồng nhiều nhất ở huyện Cái Bè của Tiền Giang, có phải sầu riêng?
Loại cây ăn trái đặc sản nào đang được trồng nhiều nhất ở huyện Cái Bè của Tiền Giang?
Minh Trí (Cổng TTĐT Tiền Giang)
Thứ hai, ngày 19/06/2023 08:03 AM (GMT+7)
Hiện nay, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn trái đặc sản lên trên 23.000 ha. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thu hoạch đạt trên 87.000 tấn trái cây các loại.
Là huyện đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, huyện Cái Bè có nhiều nỗ lực trong việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn cây ăn trái, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.
Huyện Cái Bè cũng là quê hương của nhiều giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò...
Sầu riêng là cây ăn trái đặc sản đang được trồng nhiều ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, vùng trồng sầu riêng ở huyện Cái Bè là trên 5.700 ha. Ảnh: Nghi Nguyen.
Địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đặc sản, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu. Điển hình như vùng trồng xoài trên 1.700 ha, vùng trồng cây ăn trái có múi gần 3.700 ha, vùng trồng sầu riêng trên 5.700 ha, vùng trồng mít gần 5.300 ha... Đây là những loại trái cây đặc sản được thị trường ưa chuộng.
Theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, kinh tế vườn đang mang lại cho nông dân một nguồn lợi kinh tế quan trọng, nhất là các cây ăn trái đặc sản có giá, thu nhập cao. Nhờ kinh tế vườn, nhiều nông hộ đã tạo dựng cơ nghiệp bền vững.
Đơn cử như xoài có năng suất bình quân từ 15 - 18 tấn/ha, cây có múi năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, sầu riêng năng suất bình quân từ 25 - 30 tấn/ha, mít năng suất từ 15 - 20 tấn/ha. Trái cây Cái Bè đầu ra khá thuận lợi, nhiều loại trái cây được giá, nông dân phấn khởi. Trong đó, cao nhất là sầu riêng thời điểm sau Tết vừa qua có lúc lên đến 110.000 - 120.000 đồng/kg, bà con đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha.
Để mở rộng tiềm năng kinh tế vườn hướng đến xuất khẩu cũng như cơ hội được xuất khẩu trái cây đặc sản chính ngạch sang Trung Quốc, huyện Cái Bè cũng đang đẩy mạnh việc lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Tính đến đầu tháng 4/2023, toàn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã có 42 hồ sơ đăng ký, trong đó có 35 hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng và 7 mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.