Ngày 19/6, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết đã báo cáo UBND tỉnh về việc rà soát, phòng ngừa việc sử dụng hoá chất nhuộm chè trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, qua quá trình rà soát, lấy ý kiến của các sở, ngành có liên quan cho thấy từ năm 2022 đến nay, không có doanh nghiệp nào có lô chè xuất khẩu bị trả lại, có thể hiểu sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu chè đảm bảo các điều kiện, tiêu chí an toàn thực phẩm của thị trường Pakistan và Afghanistan.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Chi cục Hải quan Đà Lạt đã làm thủ tục hải quan cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan. 5 doanh nghiệp trên gồm Công ty TNHH Phong Giang, DNTN Chế biến thương mại Thiện Phương, DNTN Phương Nam, Công ty TNHH Phước Nam Anh và Công ty TNHH chè Đặng Gia.
Qua tìm hiểu, sản phẩm chè Lâm Đồng xuất sang thị trường Pakistan và Afghanistan chủ yếu là chè xanh. Thị trường xuất khẩu chính của chè Lâm Đồng là Đài Loan, Pakistan và Afghanistan.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, đối với Công ty TNHH Chè Đặng Gia, đơn vị này trong năm 2022 đã xuất khẩu 2 lô chè xanh sang thị trường Pakistan. Năm 2023, Công ty không xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan và Afghanistan. Chè xanh xuất khẩu được Công ty TNHH Chè Đặng Gia nhập từ 2 đơn vị sản xuất chè tại tỉnh Nghệ An. Khi đặt hàng sản xuất, Công ty TNHH Chè Đặng Gia đều yêu cầu không sử dụng hóa chất nhuộm màu. Qua thực tế kiểm tra, Công ty TNHH Chè Đặng Gia không phát hiện hóa chất nhuộm màu trong sản phẩm chè.
Công ty xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan và Afghanistan lớn nhất Lâm Đồng là Công ty TNHH Phong Giang. Trong năm 2022, Công ty sản xuất 1.836 tấn chè và xuất sang Afghanistan và Pakistan là 1.473 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, Công ty sản xuất 200 tấn chè và xuất sang Afghanistan và Pakistan là 182 tấn.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Phong Giang, với yêu cầu kỹ thuật chủ yếu của quy trình chế biến là tạo ra sản phẩm chè khô có ngoại hình viên tròn xoăn chặt, sáng bóng nhưng phải giữ được hương vị tự nhiên của chè xanh như vị đậm chát dịu, hương thơm tự nhiên, màu nước xanh vàng.
Vì vậy 3 trong quá trình sản xuất chế biến, công ty này phải thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật của từng công đoạn sản xuất và không sử dụng bất cứ loại chất phụ gia, hoặc hóa chất nào vào quá trình sản xuất sản phẩm, nhằm tạo ra dòng sản phẩm có hương vị tự nhiên nhất đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng nhập khẩu.
Tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 161 Công ty chế biến chè với quy mô hơn 39.400 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm tập trung tại TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh.
Trước đó, sở Công Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu 5 doanh nghiệp trên báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè, việc sử dụng hóa chất nhuộm chè (nếu có). Yêu cầu trên được đưa ra bởi ngày 20/5/2023 Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nghiệm Afghanistan) đã có công điện nêu rõ, một số doanh nghiệp tại Việt Nam chế biến và xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan sử dụng hóa chất để nhuộm chè, tạo màu xanh cho nước chè để hấp dẫn người tiêu dùng.
Để tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu chè của tỉnh Lâm Đồng, Sở Công Thương yêu cầu 5 doanh nghiệp báo cáo cụ thể việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu chè trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023.