Clip: HTX chè Công Tâm Minh Đức do ông Thạch Thọ Kim được thành lập ở Minh Đức, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã giúp tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm chè tại địa phương. Clip: Hà Thanh
Trải lòng về cơ duyên đến với nghề làm chè, ông Thạch Thọ Kim bộc bạch, ông vốn sinh ra, lớn lên và lập gia đình ở huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Năm 2019, với ý định mua đất để mở xưởng sản xuất gỗ, ông tìm đến vùng đất xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Nhưng khi đến đây, ông lại bị cuốn hút bởi cây chè nên đã từ bỏ ý định ban đầu, đột ngột chuyển hướng sang sản xuất, chế biến chè.
"Trước kia, tôi ít có cơ hội tiếp xúc với cây chè nên khi nhìn thấy cây chè tôi rất tò mò và ngay lập tức bị cuốn hút. Không những vậy, khi sống ở đây, hàng ngày tôi được bà con trồng chè nơi đây kể những câu chuyện về công việc làm chè, chính điều này đã khiến tình yêu đối với cây chè trong tôi ngày càng lớn dần. Và rồi, tôi quyết định cùng bà con trong vùng tiếp tục phát huy nghề làm chè, đưa thương hiệu chè nơi đây vươn xa trên thị trường" - ông Kim cho biết.
Nghĩ là làm, ông Kim mua 6ha đất của bà con trong vùng để xây dựng nhà xưởng và tập trung vào chăm sóc, phát triển diện tích chè đã có. Ban đầu do chưa từng có kinh nghiệm về làm chè nên ông Kim cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ được bà con trong vùng chỉ dạy cách chế biến, sản xuất nên ông đã từng bước tích lũy kinh nghiệm và đi vào sản xuất ổn định.
Sản phẩm chè xuất bán ra thị trường và được khách hàng đón nhận càng khiến niềm đam mê với nghề chè trong ông Kim ngày một lớn hơn.
Đến năm 2021, ông Kim đã cùng con trai thành lập HTX chè Công Tâm Minh Đức với 12 thành viên. Các hộ thành viên đều là những gia đình đã có truyền thống làm chè lâu năm tại đây. Sau khi thành lập HTX, ông Kim đã chuyển giao quyền tiếp quản cho con trai mình là Thạch Thọ Công.
Ông Kim cho biết, vùng nguyên liệu 6ha của HTX hiện đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ, đồng thời liên kết với các hộ dân trồng khoảng 20ha chè. Ngoài ra, hiện nay HTX đang mở rộng, trồng thêm diện tích chè mới theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, HTX còn cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên.
Đến thời điểm này, toàn bộ quy trình sản xuất và chế biến chè của HTX đang được thực hiện theo một chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt, chăm bón, thu hái đến sao, sấy, đóng gói và bảo quản. Hằng năm, người lao động làm việc tại HTX được tập huấn sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Trung bình mỗi năm, HTX trồng và thu mua 300 tấn chè búp tươi, xuất bán ra thị trường sản lượng từ 50 - 60 tấn chè khô, trong đó chè nõn chiếm sản lượng khoảng 12 tấn/năm. Hiện nay, HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 25 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo ông Kim, hiện HTX có 3 dòng sản phẩm chính là: Trà đinh, Trà Móc Câu Minh Đức, Trà nõn Công Tâm. Năm 2022, HTX có sản phẩm Trà nõn Công Tâm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trong năm 2023, sản phẩm Trà nõn Công Tâm này vinh dự được đề cử tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6.
Các sản phẩm trà của HTX được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Riêng sản phẩm Trà nõn Công Tâm không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch.
Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu xúc tiến và đưa sản phẩm trà ra thị trường quốc tế theo đường chính ngạch.
Ông Kim chia sẻ, trong thời gian tới, HTX cùng các thành viên tiếp tục chăm sóc chè theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng.
Bà Phạm Thị Hường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đánh giá, HTX Chè Công Tâm Minh Đức hiện đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là sản lượng chè tiêu thụ và xuất bán mỗi năm. Khi HTX Chè Công Tâm Minh Đức phát triển và mở rộng cả về khâu sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ đã giúp bà con trong làng nghề sản xuất chè truyền thống xóm Lầy 5 tiêu thụ một sản lượng lớn chè tươi.
Nhờ đó, thu nhập cho bà con trong vùng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương cũng giảm đáng kể, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới xã Minh Đức, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.