Đây là thứ cây nguy hiểm bậc nhất khi xâm nhập vào Việt Nam, dân Kon Tum "than" không thể nhổ hết được

Chủ nhật, ngày 12/02/2023 05:24 AM (GMT+7)
Cây mai dương được biết đến là một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới và đang phát triển mạnh ở các vùng ven sông, vùng bán ngập trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bình luận 0

 Sự xâm lấn của cây mai dương không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân mà còn tác động xấu đến các loài sinh vật khác cũng như các hệ sinh thái đặc thù của địa phương.

Tại thôn Plei Klech, xã Ngọc Bay (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), anh A Lâm và bà con vẫn thường xuyên phát quang, nhổ bỏ cây mai dương mọc trong rẫy trồng mì, trồng lúa. 

Thế nhưng nhiều năm nay, loại cây này vẫn tái sinh trở lại dù người dân đã nhổ, chặt, đốt.  Thậm chí nhiều gia đình còn sử dụng thuốc diệt cỏ, nhưng chỉ sau một mùa mưa, những cây con lại thi nhau mọc lên. 

Vậy nên, khi nhắc đến diệt trừ cây mai dương, anh A Lâm lại lắc đầu ngao ngán: “Nếu mà cây mai dương nó mọc ở trong đám rẫy thì cây mì nó sẽ không nó phát triển về củ mì. Nó sẽ đạt năng suất thấp hơn. Cây mai dương thì năm nào chúng tôi cũng nhổ nhưng nhổ một năm thì sang năm nó vẫn sẽ mọc lên, không thể diệt tận gốc được.”

Là một người thường xuyên tham gia diệt trừ cây mai dương trên địa bàn xã Ngọc Bay, anh A Ta, người dân thôn Plei Klech cho biết thêm, cho dù phát quang trong mùa mưa hay đào gốc, nhổ bỏ trong mùa khô thì hạt giống của cây cũng phân tán theo gió hoặc trôi theo dòng nước. 

Hạt giống đi tới đâu cây lại mọc tới đó, thậm chí tái sinh trở lại, khiến việc diệt trừ trở nên khó khăn và kéo dài, tốn nhiều thời gian, công sức. Loài cây này cũng là nỗi ám ảnh của người nông dân khi phải diệt trừ, nhổ bỏ.

Đây là thứ cây nguy hiểm bậc nhất khi xâm nhập vào Việt Nam, dân Kon Tum "than" không thể nhổ hết được - Ảnh 2.

Người dân Kon Tum phải thường xuyên tổ chức nhổ bỏ, thu gom, đốt bỏ nhằm diệt trừ cây mai dương-cây ngoại lai xâm hại nguy hiểm bậc nhất hiện nay.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân là do cây mai dương có gai nhọn nên dễ gây sát thương. Ngoài ra, cây có chứa chất mimosin, một loại axít amin có thể gây độc với nhiều loài nên nếu vô tình bị xước trên da, vết thương sẽ đau, ngứa, rát, kéo dài. Thậm chí bị viêm nhiễm và sưng mủ.

Hiện nay, cây mai dương có mặt rải rác ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn TP. Kon Tum. Tập trung chủ yếu tại các xã Kroong, Ngọc Bay, Ia Chim, phường Thống Nhất, Lê Lợi và các khu vực ven sông, vùng bán ngập lòng hồ. 

Theo thống sơ bộ, thành phố có khoảng 18ha diện tích cây mai dương đang phát triển và với tốc độ phát triển như hiện nay, cây mai dương đang là mối đe dọa nguy hiểm đối với các hệ sinh thái môi trường và đa dạng sinh học của địa phương. 

Nhằm hạn chế tốc độ lây lan và diệt trừ có hiệu quả, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên tổ chức ra quân lần diệt trừ cây mai dương bằng các phương pháp thủ công như chặt sát gốc cây, đào rễ cây và phơi khô sau đó đem đốt. 

Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế TP. Kon Tum cho biết: “Về diệt trừ cây mai dương thì hiện nay là thành phố đã có sao gửi tài liệu, gửi đến cho các địa phương xã, phường và địa phương các xã, phường qua nắm và đã triển khai cho bà con trên địa bàn. 

Để làm sao tổ chức ra quân đồng loạt và đúng thời điểm thuận lợi nhất trong vấn đề tổ chức diệt trừ cây mai dương theo hướng dẫn. Thì như tài liệu, tôi cũng xin nói thời điểm diệt trừ cây mai dương tốt nhất là khi cây còn nhỏ và vấn đề nhổ bỏ, thu gom, tiêu huỷ thì đó là thuận lợi nhất.”

Trên thực tế là cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp để tiêu diệt tận gốc loại cây mai dương này. Nguyên nhân là do cây mai dương dễ phân tán, dễ sinh trưởng, không kén đất, lại có sức sống và khả năng tái sinh mạnh nên việc diệt trừ vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Hơ Jan – Thanh Hà (Đài PTTH Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem