Góp ý thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng: Kinh doanh bất động sản có cả "công và tội". Dù chưa có thống kê, song hiện có nhiều vấn đề và hệ quả đặt ra. Nhiều người dân, cả đời, thậm chí 2 đến 3 đời mới mua được căn hộ nhưng vẫn không được sở hữu, không được cấp giấy tờ chứng nhận.
Đối với họ, một sản phẩm bất động sản, một căn nhà mua về để ở là rất quan trọng, vấn đề sở hữu rất quan trọng, nhạy cảm. Theo ông Nghĩa, cơ quan soạn thảo Luật Kinh doanh Bất động sản không nên vì những tiêu cực của thị trường vừa qua mà đặt ra nhiều thứ như hàng rào để khoanh vùng, quản lý kinh doanh bất động sản. Vấn đề tiêu cực ở con người, chứ không phải cứ đặt hàng rào là có ý nghĩa.
Theo ông Nghĩa, người dân khi mua bán nhà đất, chỉ cần qua cơ quan công chứng, không cần phải qua sàn.
"Người dân mua nhà ở, cho thuê… đó là hành vi dân sự, hoạt động bình thường, không dính đến đến chuyện kinh doanh. Do đó, không liên quan đến việc lên sàn hay không lên sàn. Việc lên sàn mua bán nhà ở, đất đai hay không là quyền của người dân, không lẽ người dân có đất, bán cho người có giao kết, nhưng vẫn phải mất chi phí, thủ tục qua sàn rồi cuối cùng không để làm gì", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua chiều 19/6, nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến quy định của dự thảo Luật bắt buộc giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua sàn.
Liên quan đến quy định giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua sàn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng: Sàn giao dịch bất động sản hiện nay chỉ là sân chơi của giới kinh doanh bất động sản, nơi mua - bán của môi giới, doanh nghiệp. Vai trò chức năng của sàn giao dịch bất động sản chưa rõ ràng nên đại biểu Ngân đề nghị bỏ quy định giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua sàn.
Theo ông Ngân, hiện Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản hiện điều chỉnh các vấn đề đất đai, nhà ở và có liên quan đến nhau. Các luật này đều có tồn tại và cần sửa đổi để có hiệu quả thực thi. Tuy nhiên, khi các luật còn nhiều điểm ràng buộc, vướng mắc, thì trên thực tế doanh nghiệp và người dân vẫn còn khó khăn. "Về lâu dài trong 5 đến 10 năm tới, chúng ta nên gộp ba dự luật trên thành một luật chung để thống nhất trong quản lý, thực thi", ông Ngân nói.
Ông Ngân cho rằng, trong thực tiễn, việc doanh nghiệp giao không đúng hợp đồng ký kết với người dân rất nhiều, do đó người dân yếu thế, không được bảo vệ. Nhiều doanh nghiệp không giao nhà đúng hạn, trong khi bắt người dân nộp tiền đúng hạn. Khi trao hết tiền, người dân ở thế phải đuổi theo doanh nghiệp để được giao nhà. Trong khi đó, giao kết hợp đồng đã có sẵn.
Thậm chí thực tế, hợp đồng giao không đúng bản vẽ, diện tích, các công trình phụ trợ chậm trễ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, tiện ích.
"Riêng với gia đình tôi khi mua chung cư, đã 3-5 năm rồi chưa được sở hữu", ông Ngân chia sẻ.
Luật Kinh doanh Bất động sản phẩm hướng đến bảo vệ người dân, người yếu thế và ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
"Tình huống người dân đưa hết tiền cho doanh nghiệp như hợp đồng, nhưng đúng thời hạn không có nhà. Trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp lý, khi nhà được cấp phép nhà ở xã hội nhưng lại xây thành nhà ở thương mại, khi bị thanh tra, không hoàn thiện, trễ hẹn giao nhà cho dân, ngừng giao dịch… Đó là những vấn đề đòi hỏi Luật phải rà soát, giải quyết", ông Ngân nói.