Hiến kế "chặn" người thu nhập cao "tranh mua" nhà ở xã hội

Thái Nguyễn Thứ hai, ngày 19/06/2023 10:32 AM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐHQH) cho ý kiến về các quy định, giải pháp phát triển nhà ở xã hội.
Bình luận 0

Cho ý kiến về các quy định liên quan tới nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Cụ thể, cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

"Cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt là nguồn vốn ngân sách cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội", đại biểu Hiển kiến nghị.

Giải pháp để người thu nhập cao không tranh mua nhà ở xã hội? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đại biểu cũng đề nghị chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm theo hướng nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

"Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nhiều nước trên thế giới thì sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội", đại biểu Hiển phát biểu.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.

"Tôi đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận", đại biểu Thành đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, cần đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem