Đây là một trong những dự án thành phần của chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cam kết đầu tư vào tỉnh Tây Ninh.
Trước đó, ngày 2/6, tại "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023", UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh nhằm sản xuất giống gia cầm và chăn nuôi gà với quy mô 20 triệu quả trứng/năm. Dự án có quy mô hơn 39,5ha, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý I/2024.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá cao quy mô và năng lực của Tập đoàn Hùng Nhơn với hàng loạt dự án được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Đặc biệt là các dự án liên doanh với De Heus, một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Liên doanh DHN của 2 tập đoàn không chỉ là điển hình thành công của mô hình hợp tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà còn mang lại những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế xã hội tại các đại phương mà DHN có mặt.
Theo ông Ngọc, việc tổ chức làm lễ khởi công dự án chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày ký MoU cho thấy Hùng Nhơn và De Heus là những doanh nghiệp có uy tín, tâm huyết và thật sự mong muốn đầu tư vào Tây Ninh.
"Tỉnh Tây Ninh hy vọng 2 tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus sẽ hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động đúng như cam kết", ông Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ.
Ông Rick Van Der Linden - Tổng Giám đốc Bel Gà và Giám đốc mảng Di truyền giống De Heus Việt Nam - đối tác trong liên doanh DHN khẳng định, việc đầu tư vùng an toàn dịch bệnh nhằm cung cấp nguồn con giống có chất lượng tốt, sạch bệnh, giúp người chăn nuôi tái đàn và ổn định sản xuất.
Trong lúc dịch bệnh tiềm ẩn rủi ro bùng phát, việc đầu tư dự án cung cấp giống chăn nuôi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững theo hướng tập trung công nghiệp; kéo theo đó là các trang trại có quy mô lớn, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, hiện đại, an toàn sinh học.
Từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp và quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Tây Ninh, ông Rick Van Der Linden tin tưởng dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh sẽ thành công giúp Tây Ninh trở thành địa phương đi đầu trong việc cung cấp con giống có chất lượng.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho rằng, Tây Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, Tập đoàn Hùng Nhơn nhận thấy sự chân thành và quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
"Đây là động lực để chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản để đưa công trình đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch" ông Vũ Mạnh Hùng cam kết.
Tập đoàn Hùng Nhơn hiện đang sở hữu 15 công ty thành viên và chuỗi DHN, với 1.000ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN là mô hình liên doanh với Tập đoàn De Heus (Hà Lan).
Liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.