Tây Ninh thu hút nhiều "đại bàng" đầu tư chăn nuôi công nghệ cao
Tây Ninh thu hút nhiều "đại bàng" đầu tư chăn nuôi công nghệ cao
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 06/06/2023 11:25 AM (GMT+7)
Nhờ mở rộng các chính sách ưu đãi, ngành chăn nuôi của Tây Ninh ngày càng thu hút nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để Tây Ninh trở thành “thủ phủ” chăn nuôi công nghệ cao.
Hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam có hệ sinh thái khép kín, có thể kiểm soát toàn diện từ sản xuất, chế biến thịt cho đến phân phối tận tay người tiêu dùng.
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT công ty khẳng định, phát triển chăn nuôi công nghệ cao không chỉ là định hướng của tỉnh Tây Ninh mà cũng là chiến lược của BaF trong thời gian tới. Cụ thể, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thị xã Trảng Bàng, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 360 tỷ đồng và 11 trang trại nuôi lợn công nghệ cao.
Ngoài ra, BaF cũng đang xúc tiến chủ trương phát triển tổ hợp sản xuất, chế biến, bảo quản thịt với quy mô 50.000 tấn thịt/năm, tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.000 tỷ đồng, Tây Ninh sẽ là "thủ phủ" của công ty BaF trong giai đoạn hiện tại. "Chúng tôi tin rằng, Tây Ninh sẽ là "thủ phủ" về chăn nuôi công nghệ cao và chế biến thịt dẫn đầu cả nước trong tương lai" - ông Bá chia sẻ.
"Tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, có chính sách cụ thể ưu tiên đầu tư vào các vùng nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2030".
Ông Nguyễn Thanh Ngọc -
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh
Tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn cũng đang đầu tư mạnh trong ngành chăn nuôi ở Tây Ninh. Theo đó, Hùng Nhơn đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union trao giấy chứng nhận Global GAP cho trang trại gà thịt.
Từ kinh nghiệm hợp tác với Tập đoàn De Heus, các trang trại của Hùng Nhơn thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt. Những sản phẩm của tập đoàn đã được xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật Bản và châu Âu.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, mục tiêu đến năm 2030, đơn vị sẽ đạt công suất 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. Dự kiến cuối năm nay, Hùng Nhơn sẽ đưa vào hoạt động trang trại gà giống 14,8 triệu con tại xã Tân Hội (huyện Tân Châu).
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, thời gian qua tỉnh đã thu hút mạnh các nhà đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi công nghệ cao. Toàn tỉnh đã có 112 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng. Hiện đã có 51 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động (chiếm 45,5% tổng số dự án được phê duyệt).
Tuy nhiên, ông Xuân cũng cho biết, việc phát triển chăn nuôi nói riêng cũng như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nói chung vẫn gặp những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chi phí đầu tư công nghệ cao khá lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro nên quy mô sản xuất công nghệ cao của tỉnh còn hạn chế. Liên kết sản xuất tiêu thụ chưa chặt chẽ; khâu sơ chế, chế biến, bảo quản chưa phong phú...
Theo ông Xuân, ngành nông nghiệp Tây Ninh xác định chăn nuôi công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá.
Chuyên gia hiến kế
Hiệp định EVFTA hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Tây Ninh. Ông Jesper Clausen – Chủ tịch Tiểu ban ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ninh hiện nay. Và tỉnh còn dư địa để phát triển lĩnh vực này mạnh mẽ hơn nữa.
Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Tây Ninh có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường EU. EVFTA cũng sẽ đưa sản phẩm của Tây Ninh lên các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành sản xuất.
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp của Tây Ninh, việc áp dụng cách tiếp cận toàn diện, gia tăng giá trị chế biến là rất cần thiết. Riêng đối với ngành chăn nuôi, cần cải thiện các giải pháp tài chính, nâng cao hiệu quả và năng suất, sẽ giúp khai phá tiềm năng và tạo ra những cơ hội phát triển mới, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi.
"Tây Ninh cần cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh; cải thiện hơn nữa mạng lưới logistics…" - ông Gabor Fluit đề nghị.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, một trong những kết quả quan trọng tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư vừa qua là Tây Ninh đã tiến hành ký kết ghi nhớ hợp tác với 4 đơn vị: Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam; Công ty CP Sữa Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn Hùng Nhơn - Công ty TNHH De Heus; Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam – EuroCham.
Đây là tiền đề để các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội mở rộng hợp tác tại tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, những ý kiến, khuyến nghị của các nhà đầu tư đã gợi mở cho tỉnh nhiều vấn đề mang tính định hướng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.