Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó, kinh tế thực sự rất khó khăn, thu nhập thấp, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống, để có thêm thu nhập, nhiều giảng viêc đại học, đã kiếm thêm thu nhập bằng việc nuôi lợn.
Nhưng nuôi lợn mà phải giấu giếm, mặc dù nuôi lợn ở Hà Nội thì không có ai cấm. Bởi mỗi gia đình chỉ có căn hộ tập thể be bé nên sợ ảnh hưởng đến hàng xóm.
Hơn nữa, đã làm giảng viên đại học cũng là một công việc cao quý, ai cũng nghĩ phải thanh bạch, đặc biệt là phải giấu học sinh chứ nếu các em mà biết thầy nuôi lợn thì cũng xấu hổ lắm!
Tôi còn nhớ, những năm trước 80 của thế kỷ trước, vàng chỉ có 30 đến 40 đồng/chỉ mà nuôi 1 con lợn có thể bán được cả 200 đến 300 đồng là tương đương với nửa năm tiền lương của giảng viên mới rồi.
Tôi nhớ, khi đó, gia đình một giáo sư bạn tôi được phân một căn hộ tập thể ở tầng 4 dù chật chội nhưng vì cuộc sống nên vợ chồng cũng dành 1 góc cạnh nhà vệ sinh để nuôi 1 con lợn.
Hàng ngày, cứ đi giảng dạy về là cả 2 vợ chồng lại dành thời gian đi kiếm rau muống, thân cây chuối, bèo tây, thức ăn thừa để cho lợn ăn.
Mỗi khi nghĩ lại mà chảy nước mắt, vì nuôi lợn thì không ai cấm cả, nhưng chỗ ở thì chật chội mà ông giáo sư cứ nghĩ phải giữ danh tiếng, phải giấu bạn bè, học sinh. Nhưng thanh bạch mà không nuôi lợn thì con cái mình… sạch ruột.
Thực tế là cũng chỉ vì cuộc sống khó khăn nên tìm cách để vượt qua và bám trụ với nghề thôi. Là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội học tập và sinh sống, nếu không chăm chỉ làm thêm thì cũng không có đủ điều kiện để theo học tiếp và bám trụ với nghề.
Ngày đó, Hà Nội mà đi tới Ô Chợ Dừa là thấy hết trung tâm rồi. Phía Đại học Thuỷ Lợi hiện nay cho đến khu Hà Đông, ngoài có mấy Nhà máy Cao – Xà – Lá ra thì xung quang cũng chỉ toàn là cánh đồng lúa, rau và ao cá của các hợp tác xã.
Tôi còn nhớ, thời đó Hà Nội đa phần canh tác nông nghiệp rất thuần tuý, nuôi cá thì đa phần là theo hình thức quảng canh. Các hợp tác xã thả cá trắm, cá mè và cử đội nuôi cá 1 năm, đến gần Tết âm lịch mới tát ao, bán cá cho công ty thương nghiệp của Sở thương nghiệp để bán theo tem phiếu và 1 phần chia cho các xã viên.
Trồng lúa hay nuôi lợn cũng đều là sản xuất theo mô hình kinh tế Hợp tác xã (HTX). Mỗi lao động đều đi làm theo tiếng kẻng của HTX và các đội thực hiện chấm công. Các công việc cũng chỉ được đưa ra kế hoạch theo 1 đến 2 ngày. Cuối năm, từ các khoản thu thóc, cá, lợn… sẽ chia theo công của từng lao động đã làm trong kỳ trước đó.
Tuy nhiên, cái chính là làm theo chấm công, tính điểm nên chẳng ai tính đến hiệu quả công việc, số lượng sản phẩm, chất lượng công việc… Năng suất cây trồng, vật nuôi rất thấp thì lấy đâu ra sản phẩm để chia.
Lúc tôi đang là sinh viên được 15nkg lương thực/tháng nhưng khi làm giảng viên rồi lại bị giảm còn 13 kg. Nếu được lấy toàn gạo thì đã đỡ - mặc dù gạo đôi khi cũ, mốc vón cục - nhiều khi phải quy đổi một phần ra ngô, khoai, sắn hoặc hạt bo bo nhập về từ Liên Xô (nay là Liên Bang Nga). 1 kg gạo bằng 4 kg khoai hoặc sắn, nhưng là khoai hoặc sắn tươi. Ăn cơm độn khoai với sắn thời đó thì ai cũng thấy quen, có cái cảm giác ăn hạt bo bo bung lên, vỏ nó cứng nhưng đói vẫn phải nhai thì không thể nào quên được.
Hàng hoá tiêu dùng rất khan hiếm, muốn mua thì phải có tem, phiếu và phải xếp hàng hoặc bốc thăm. Cả Trường Đại học Tài chính – Kế toán nơi tôi công tác mỗi năm chỉ được phân phối khoảng 10 cái săm, 10 cái lốp xe đạp. Nên để phân phối cho các giảng viên, nhà trường đã tổ chức bốc thăm theo các đơn vị. Đi làm thì xe đạp vá cái săm đến hàng chục miếng, lốp cũng còn phải độn vì thủng.
Thời đó, dù có tiết kiệm được tiền thì cũng không có quần, áo mà mua. Vì mua vải cũng theo tem, phiếu định lượng cho mỗi người 4m mỗi năm. Thậm chí có tem, phiếu cũng còn phải chờ đến lượt.
Đến cả cái quần đi dạy cũng vá cả trước, cả sau đến mấy miếng vá. Do quần áo toàn là vải bông, rất dễ sờn rách nên cái nào cũng phải tích kê dày cộm ở mông. Cũng may, mẹ tôi làm nghề may, bố tôi phụ trách xí nghiệp cơ khí nên cũng biết tự sửa quần áo, sửa chữa máy khâu để có thêm thu nhập.
Cuộc sống quá khó khăn, ở nơi thừa gạo như miền Nam hay thừa chè như Thái Nguyên cũng không được đem đi bán. Vì nếu mang đi bán bị quản lý thị trường phát hiện là bị tịch thu và xử phạt. Hàng hóa sản xuất ra chỉ có bán cho Nhà nước để phân phối theo tem phiếu thì được.
Thời đó ai mà nhanh nhẹn, biết buôn bán thì bị coi là gian thương và có thể bị cắt hết tem phiếu. Do đó, việc nuôi lợn để tăng gia, sản xuất, đã giúp nhiều người có thêm thu nhập để duy trì nghề giáo.
Đến giờ, một số bạn bè khi kể lại vẫn còn nhớ tôi vừa đi giảng dạy, vừa đi học ngoại ngữ để chuẩn bị đi nghiên cứu sinh nhưng đã biết đi sửa máy khâu, sửa xe đạp… làm đủ nghề để có tiền học và bám trụ với nghề.
Ấn tượng với những thế hệ như tôi thời đó phải kể tới những năm 1983 -1985 cứ tăng lương là lạm phát lại tăng mạnh. Trong thời kỳ đó, lạm phát tăng tới hơn 774% khiến cho đồng lương "cháy" trên tay, không mua nổi thứ gì. Chỉ mời mấy người bạn liên hoan, với cái chân giò và mua ít con trùng trục nấu canh thôi mà cũng đã hết toi cả lương tháng.
Những năm 80 đó, kinh tế cực kỳ khó khăn khi Việt Nam vừa phải giúp bạn Campuchia tiễu trừ tàn quân Polpot, vừa phải chống giặc xâm lấn biên giới phía Bắc, vừa phải đương đầu với khó khăn do bao vây, cấm vận của các nước phương Tây.
Tôi còn nhớ, khi đó bác Tố Hữu là Phó Thủ tướng phụ trách mảng kinh tế. Là giảng viên trẻ, tôi cũng được cử tham gia vào Chương trình xây dựng 500 huyện thành 500 pháo đài kinh tế. Những "pháo đài" kinh tế này cũng đã góp một phần cho kinh tế nông thôn và nền kinh tế phát triển sau này, dù có một số địa phương ở miền Trung trong phong trào xây dựng nông thôn mới cũng hơi quá.
Trong những năm đầu của thập kỷ 80, có những địa phương, những doanh nghiệp "xé rào", thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp, khoán sản phẩm trong công nghiệp. Cho tới năm 1986 với chủ trương Đổi mới kinh tế của Đảng và phát triển nền kinh tế thị trường thì năng suất lao động đã được thay đổi hẳn. Từ chỗ thiếu lương thực, phải nhập cả triệu tấn mỗi năm thì chỉ trong 1-2 năm, Việt Nam đã tự túc được lương thực trong nước và bước đầu tiến tới xuất khẩu lương thực. Hàng hoá dồi dào nên cũng được lưu thông theo thị trường, bỏ việc "ngăn sông, cấm chợ" và dần dần mới bỏ hẳn chế độ tem, phiếu.
Cho đến nay, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội và đang thay đổi hàng ngày để trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại. Giao thông được đầu tư mạnh mẽ có đủ cả vành đai 1, 2, 3 và đã khởi công vành đai 4, những tòa nhà cao ốc mọc lên san sát.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. GDP của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023 cũng tăng 5,97%, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của hậu đại dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của tổng cầu thế giới.
Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm của Thủ đô cũng đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022; Doanh nghiệp tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5%...
Có lẽ, nhìn vào những con số này, nhìn vào thực tế Hà Nội hôm nay, các thế hệ trẻ không thể nào tưởng tượng ra được ký ức của kinh tế Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh sinh ngày 20/6/1957 tại thôn Trường Xuân, xã Đông Ninh, Đông Sơn - Thanh Hóa. Tốt nghiệp phổ thông tại lớp chuyên Toán PTTH Lam Sơn Thanh Hóa, ông thi đỗ vào trường ĐH Tài chính – Kế toán (nay là Học viện Tài Chính). Năm 1975, khi đang là sinh viên, ông tham gia đoàn quân của Ủy ban quân quản Sài Gòn, và nhận nhiệm vụ Trưởng ban đổi tiền (từ tiền của chính quyền Sài Gòn sang tiền của CP lâm thời CH miền Nam Việt Nam). Sau đó, ông tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở tại trường ĐH Tài chính – Kế toán. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu cùng những thành tích xuất sắc trong học tập, ông được giữ lại trường công tác với vai trò giảng viên bộ môn Cấp phát & cho vay đầu tư cơ bản (nghiệp vụ của Ngân hàng kiến thiết thuộc Bộ Tài chính khi đó).
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bảo vệ Luận án TS tại ĐH Tổng hợp Kinh tế Quốc gia Belarus. Sau đó, ông đảm nhiệm vị trí Trưởng Bộ môn Tài chính Quốc tế, rồi Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho đến nay.
Bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã tham gia và chủ nhiệm hơn 40 đề tài NCKH từ cấp Trường, cấp Thành phố cho tới cấp Bộ; tham gia viết và là tác giả của 29 cuốn sách giáo trình, tài liệu tham khảo thuộc chuyên ngành kinh tế - tài chính. Nhiều cuốn sách của ông có mặt tại các thư viện quốc gia của Australia, Anh, Mỹ và của các ĐH kinh tế nổi tiếng như Corner, Yale… Ông đã viết hàng trăm bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí kinh tế có uy tín, các hội thảo trong nước và quốc tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước CHXHCN Việt Nam năm 2012, Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước CHDCND Lào năm 2013, danh hiệu NGƯT năm 2010, nhiều Bằng khen và kỷ niệm chương của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo…