Diếp cá là loại rau có tên khoa học là Houttuynia cordata, thuộc họ Saururaceae và có nguồn gốc từ các nước thuộc khu vực miền Nam Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện tại, cây diếp cá được phân bổ khắp các lục địa châu Á.
Ở Việt Nam, trước đây rau diếp cá mọc hoang dại nhiều ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Sau này, loại rau này được đưa về trồng ở vườn để làm thực phẩm cũng như làm thuốc giúp cải thiện các tình trạng sức khỏe.
Toàn bộ các bộ phận của rau diếp cá đều chứa tinh dầu. Thành phần hợp chất trong tinh dầu này chủ yếu là nhóm aldehyt và dẫn xuất ceton như methynol ceton, ... và 3-oxodocecanal có tác dụng giống như kháng sinh giúp kháng khuẩn.
Các nhà nghiên cứu khi tiến hành phân lập từ lá diếp cá còn thu được các hợp chất như beta sitosterol và các flavonoid như: quercitrin, rutin, isoquercitrin...
Chính vì vậy, trong Đông y, loại rau này đóng vai trò kép là thuốc và thực phẩm, các thầy thuốc y học cổ truyền coi diếp cá như một loại kháng sinh tự nhiên.
Cụ thể, đây là loại rau có nhiều công dụng chống ung thư, giúp lợi tiểu, chống bức xạ, giúp kháng khuẩn chống viêm, bảo vệ gan và nuôi dưỡng gan, tăng cường khả năng miễn dịch.
Chống ung thư: Mùi của diếp cá hơi tanh, có vẻ khó ăn với một số người, thế nhưng nó lại có công năng thanh nhiệt giải độc, tiêu nhọt thải mủ, lợi tiểu, chữa bí tiểu. Đối với phổi nhọt nôn ra mủ, đờm nhiệt thở khò khè và ho, kiết lỵ, sốt bí tiểu, nhọt sưng tấy do virus, diếp cá rất hiệu quả.
Hoạt chất chứa trong diếp cá có tác dụng chống ung thư rất tốt, ngoài tác dụng chống ung thư dạ dày, còn có tác dụng điều trị nhất định đối với ung thư phổi giai đoạn cuối, ung thư biểu mô màng đệm, nốt ruồi ác tính, ung thư trực tràng.
Lợi tiểu: Diếp cá có tác dụng lợi tiểu, uống nước diếp cá có thể làm giãn mao mạch, tăng cường tuần hoàn máu, từ đó thúc đẩy quá trình bài tiết nước tiểu, có tác dụng lợi tiểu, rất hữu ích đối với một số bệnh nhân tiểu ít, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh gút và uric cao.
Chống bức xạ: Diếp cá có thể đạt được hiệu quả chống bức xạ, ngay cả trong môi trường bức xạ tương đối mạnh, khả năng chống bức xạ của diếp cá và tăng cường chức năng miễn dịch có thể làm cho cơ thể con người có đủ sức đề kháng, rất phù hợp để sử dụng trong môi trường làm việc bức xạ cao.
Kháng khuẩn chống viêm: Houttuyniatin chứa trong diếp cá là một thành phần kháng khuẩn, có thể ức chế hiệu quả trực khuẩn cúm, Staphylococcus aureus, vi khuẩn catarrhal và phế cầu. Nó có tác dụng ức chế rõ ràng đối với liên cầu tán huyết, tụ cầu, trực khuẩn cúm và phế cầu. Với vai trò kháng khuẩn và chống viêm, y học cổ truyền Trung Quốc tin rằng diếp cá là một loại "kháng sinh tự nhiên".
Bảo vệ gan và nuôi dưỡng gan: Diếp cá có tác dụng bảo vệ gan, ăn nhiều diếp cá có thể nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phục hồi các tế bào gan bị tổn thương, đun diếp cá và vỏ lê với nhau có tác dụng tốt.
Vỏ quả lê rất giàu đường fructoza và glucoza, mà diếp cá có thể thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan, có tác dụng giải độc và bảo vệ gan rất tốt, đồng thời có thể giảm thiểu hiệu quả sự xuất hiện của các bệnh thông thường như viêm gan và xơ gan.
Tăng cường khả năng miễn dịch: Diếp cá có thể tăng cường khả năng thực bào của bạch cầu. Các hoạt chất của nước sắc diếp cá có thể tăng cường khả năng thực bào của bạch cầu, tăng hoạt tính của lysozyme trong máu, điều chỉnh chức năng phòng thủ của cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch của con người.
Rau diếp cá vừa được coi là loại rau "thần dược" với công dụng chữa nhiều loại bệnh, vừa là loại rau gia vị thơm ngon trong bữa ăn, vậy còn chần chừ gì nữa mà bạn lại không trồng ngay diếp cá trong khu vườn nhà mình.
Rau diếp cá mọc quanh năm, lá rau diếp cá hình trái tim có mùi tanh như mùi cá, rễ mọc ngầm dưới đất, thân màu lục hoặc tím đỏ, quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn. Mùa hoa tháng 5-8, quả tháng 7-10.
Về giống: Do rau diếp cá có thân ngầm dưới đất và rễ mọc từ các đốt thân nên có thể nhân giống bằng cách giâm cành hay tách chiết lấy gốc những cây con.
Về đất trồng: Diếp cá là loại rau có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa. Loại rau này thích hợp với nhiều loại đất, tốt nhất là đất có nhiều bùn. Đất trồng diếp cá phải được cày bừa kỹ, đất nhuyễn, làm sạch cỏ.
Nên chọn chậu nhựa (thùng xốp) có đường kính chậu từ 20-30 cm và chiều cao 20-25 cm hoặc có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, bao xi măng, thùng xốp hoặc mảnh đất trống ở nhà để trồng rau diếp cá. Lưu ý: Những dụng cụ trồng phải đục lỗ dưới đáy để cây không bị úng nước.
Tiến hành trồng loại rau diếp cá
Giâm cành: lấy 1 đoạn thân, cành khoảng 3-4 cm, găm vào đất khoảng 2-3 cm, đem vào nơi thoáng mát, tưới nước đủ ấm, ngày tưới 2 lần (sáng và chiều). Thời điểm giâm cành nên vào lúc chiều mát. Khoảng cách trồng là 30-40cm, trồng từng hốc hoặc theo hàng.
Sau 7-10 ngày rau sẽ ra rễ, nảy chồi và bắt đầu phát triển bình thường.
Chăm sóc loại rau "thần dược"
Tưới nước: Rau diếp cá thích hợp nơi ẩm ướt và chịu bóng, vì thế trồng rau diếp cá tại nhà cần lưu ý vị trí để chậu rau sau khi trồng, môi trường đô thị rất nóng so với vùng quê nên chậu hay bị thiếu nước dẫn đến rau bị còi cọc chậm lớn, vì thế cần che lưới 70% ánh sáng hay tạo bóng mát và tưới nước ngày 2 lần đảm bảo ẩm độ đầy đủ cho chậu.
Bón phân: Cụ thể, khi mới trồng rau vào chậu thì lá rau diếp cá thường bị nhạt màu lá do thiếu phân, sau khi trồng 10-15 ngày có thể pha phân với liều lượng nhỏ. Định kỳ một tháng tưới cho rau 2 lần.
Khi thu hoạch, bạn cũng nên dùng dao hay kéo sạch, cắt hết thân rau diếp cá chừa gốc cách mặt chậu 1-2 cm, sau đó bón thêm lớp đất dinh dưỡng phân vào mặt chậu. Khi thấy chậu rau đã mọc dầy đặc có thể tách ra trồng thêm các chậu khác.
Nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn cách trồng rau diếp cá tại nhà thì sau 4-6 tháng là có thể thu hoạch thoải mái rau diếp cá từ nay về sau mà không cần mua ngoài chợ.
Lưu ý: Nếu thời tiết mưa nắng bất thường sẽ làm cho rau diếp cá bị vàng lá, chỉ cần dùng kéo cắt bỏ những lá hư rồi bón thêm ít phân là rau sẽ tươi tốt lại ngay.