Chùa cổ Hoa Tiên nằm ở ngoại ô thành phố Nha Trang, thuộc địa phận thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Chùa nằm cách "linh mộc" và cũng là đại mộc cây dầu đôi khoảng 1.000 bước chân, cách thành cổ Diên Khánh hơn 2km.
Chùa Hoa Tiên tọa lạc đường Phan Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (ngày xưa là ấp Phật Tỉnh, nhân đào giếng được tượng Phật mà ấp có tên là Phật Tỉnh).
Theo thi sĩ Quách Tấn, tác giả Xứ Trầm Hương, chùa Hoa Tiên vốn là quan tự, do tỉnh lập năm Gia Long thứ 10 (1811). Chùa ngày xưa thờ Quan Thánh đời Tam quốc, ở gian giữa, thờ bà Thiên Y A Na ở bên hữu, thờ Phật ở bên tả.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tỉnh giao chùa cho làng. Lúc còn thuộc quyền tỉnh cũng như lúc đã giao cho làng, mỗi năm đến ngày 13 tháng giêng Âm lịch đều phải tổ chức hát bội tại chùa, tục gọi là “hát vía Ông”. Do đó, chùa trở thành địa chỉ tâm linh quan trọng ở Diên Khánh, và ngày 13 tháng giêng trở thành ngày hội vui hàng năm của người địa phương.
Đến triều Bảo Đại (1924-1945) hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo, làng bèn đổi chùa thờ Thánh thành chùa thờ Phật.
Ban đầu có một số hào mục không chịu. Vị tiên chỉ mới nghĩ ra một kế là cầu Quan Thánh thẩm định. Quan Thánh giáng cơ, phán rằng: việc dùng chùa ngài thờ Phật là việc chính đáng, bởi Phật là đấng chí tôn. Huống hồ Ngài cũng đã Quy y Tam Bảo. Thánh đã dạy thì còn ai không dám tuân.
Làng thỉnh tượng phật vào thờ gian giữa, rước tượng Thánh sang thờ gian tả. Còn gian hữu vẫn thờ bà Thiên Y A Na. Kế đến quốc biến.
Chùa Hoa Tiên cũng không tránh khỏi nghiệp chung. Cảnh vật phải chịu khá nhiều biến cải. Đến năm Kỷ Hợi (1959) chùa được trùng tu. Quy mô rộng lớn, kiến trúc tân thời nhưng vẫn giữ được vẻ Á Đông cổ kính. Chùa hướng về Tây Bắc.
CLIP: Chùa Hoa Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo.
Kiến trúc tân thời nhưng vẫn giữ được vẻ Á Đông cổ kính. Trước mặt, con sông Cái nước chảy từ Tây xuống Đông, mở vọng cảnh của chùa thêm rộng. Vườn chùa cũng khá rộng, lại nhiều cây, nhiều cây cao rậm nên quang cảnh cũng như ngoài đều đượm khí vị thiền lâm.
Theo Đại đức Thích Chơn Đạo - trụ trì chùa Hoa Tiên, tính từ ngày khởi lập đến nay đã hơn 200 năm nhưng kiến trúc của Hoa Tiên tự vẫn như ngày nào, vẫn giữ nguyên lối kiến trúc, bài trí qua bao đời trụ trì, tuyệt đối không có sự dịch chuyển, cải trang, làm mới.
Chùa chỉ được trùng tu một lần duy nhất vào năm 1959 và lần trùng tu này chùa chịu một số biến cải nhưng cơ bản vẫn không thay đổi kiến trúc xưa.
Bí ẩn ngôi chùa trên 200 năm tuổi
Chùa Hoa Tiên vốn đã nổi tiếng từ xưa đến nay và hiếm có ngôi cổ tự nào ở huyện còn lưu giữ được nhiều huyền tích ly kỳ và những dấu ấn hàng trăm năm như chùa Hoa Tiên.
Ở chùa hiện còn giữ nhiều sắc phong, câu đối sơn son thếp vàng được các triều vua Nguyễn sắc tặng và nhiều pho tượng cổ tương truyền được nhiều vị quan, hoàng thân quốc thích, nhà giàu có dâng cúng phật và bà Thiên Y A Na. Ngoài ra, còn có pho tượng phật được đẽo tạc bằng đá xanh hiếm thấy trên đời.
Nhắc đến pho tượng phật lồi, theo thầy Thích Chơn Đạo, 2 pho tượng này được người dân trong vùng phát hiện trong quá trình đào giếng xây chùa.
Pho tượng đá có nét mặt người đàn bà giống chân dung của thần nữ Ponagar nên thỉnh vào chùa thờ phụng. Vì tin bà Thiên Y là Bồ Tát như đức Quán Thế Âm nên dân làng đặt tên tượng là Phật Tỉnh. Hai pho tượng phật này quả là “có một không hai” như lời đồn đại. Hiện nhà chùa đặt pho tượng ở vị trí trang nghiêm thờ.
Vị trụ trì cho hay, từ thời xa xưa, khu vườn chùa Hoa Tiên rộng lớn, bên tả cổng chính nhà chùa có một cây cốc đại thụ nhiều người nối cánh tay lại mới ôm trọn gốc. Cây cốc đã tàn lụi từ lâu lắm rồi, đến giờ này không còn dấu tích. Nơi cây cốc đại thụ tọa lạc năm xưa đã nằm lẫn giữa khu đất của Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Diên Khánh và khu đất chùa Hoa Tiên, nhưng không một ai biết được chính xác vị trí gốc cây nơi nào.
Một số bậc trưởng lão ở làng quê này từ thời xa xưa truyền khẩu qua nhiều đời rằng, bên dưới gốc cây cốc là "kho báu" của người Chăm chôn giấu rất nhiều vàng bạc đã được gia công chế tác thành những vật phẩm mi ni như buồng cau, nải chuối, con cóc, đồng tiền, bình tách trà - rượu, nữ trang…".
Theo chuyện kể của Đại đức Thích Chơn Đạo thì từ chân gốc cây cốc đại thụ mở ra trên diện rộng là bãi cỏ hoang phủ dày nhiều tầng lớp, ẩn chứa nét kỳ bí. Nhiều người đồn đoán sau khi chôn giấu "kho báu", người Chăm không chỉ mở sổ sách vẽ lại sơ đồ cây cóc gắn liền với dòng sông, đường lộ, ruộng đồng, khu dân cư ở gần đó và ghi chép lại những thông tin về vị trí địa lý, thời gian, số lượng vàng bạc, mà còn vận dụng nhiều chiêu thuật bùa phép trấn giữ "kho báu".
Đại đức Thích Chơn Đạo còn kể rằng: "Khi tôi vào chùa Hoa Tiên tu hành được vài năm, đã có vài lần những nhóm người Chăm từ Ninh Thuận, Bình Thuận ra tới đây để dò tìm "kho báu". Không muốn ảnh hưởng đến chốn thiền môn cùng với đời sống tâm linh của đạo hữu và trật tự xã hội ở địa phương, nên từ chối hợp tác với lý do chưa hề biết cây cốc đại thụ ở đâu.
Theo lời vị trụ trì chùa Hoa Tiên: "Thực hư "kho báu" bên dưới gốc cây cốc đại thụ năm xưa chưa được giải mã, dấu tích gốc cây cũng chẳng còn, vì thế hàng trăm năm qua các bậc tu hành ở chùa Hoa Tiên vẫn thầm nghĩ rằng đó chỉ là câu chuyện hoang đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.