CLIP: Nhiều bà con xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thoát nghèo nhờ mô hình ươm cây chè giống. Clip: Hà Thanh
Nhờ đó, từ hộ có hoàn cảnh khó khăn, chị đã vươn lên thoát nghèo và giúp nhiều đồng bào dân tộc trong vùng có thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sơn Phú (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 70%, điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân gia đình cũng nằm trong diện hộ nghèo của địa phương nên ngay từ năm 2006, chị Nguyệt đã nhận thức cần phải tìm hướng đi mới để vươn lên thoát nghèo.
Thấy ở địa phương có nghề trồng chè lâu đời, nhưng những giống chè cũ lại đang dần giảm năng suất, chất lượng nên chị Nguyệt đã nảy ra ý định nhân giống những giống chè mới thay thế những giống chè cũ.
Khoảng những năm 2008, 2009, nhờ tiếp cận dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học" của Bộ NNPTNT, nên vườn ươm của gia đình chị Nguyệt được lựa chọn để cung cấp cây giống cho các hộ dân tại địa phương. Đây chính là cơ hội để gia đình chị có điều kiện phát triển nghề ươm cây giống với quy mô lớn.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Nguyệt – Giám đốc HTX Nông sản Phú Đạt cho biết: "Vợ chồng tôi đã đưa vào ươm thử nghiệm các giống chè cành mới như LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… rồi nhân giống lên sau đó cung cấp cho bà con trong vùng trồng. Ngoài ươm cây chè giống, gia đình còn ươm cây quế giống và cây hồi giống nữa".
Sau một thời gian phát triển vườn ươm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này đem lại tương đối cao nên năm 2013, chị Nguyệt đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất cây giống. Đến năm 2018, chị phát triển thành HTX Nông sản Phú Đạt với 9 thành viên tham gia.
Cùng với việc tự sản xuất cây giống, gia đình chị Nguyệt cũng được Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên và Phòng NNPTNT huyện Định Hóa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc những vườn cây đầu dòng để nhân giống được tốt hơn. Đồng thời hằng năm, các đơn vị này đều thực hiện kiểm định và quản lý chất lượng cây giống từ khi nhân giống đến xuất bán, đảm bảo cây giống đưa ra thị trường đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.
Do đó, cây giống của HTX khi đưa ra thị trường được nhiều khách hàng tin tưởng, đón nhận, nhờ vậy mà số lượng xuất bán ra thị trường của HTX ngày càng tăng.
Hiện nay, bên cạnh việc phát triển vườn cây chè đầu dòng của HTX, gia đình chị Nguyệt còn liên kết với một số hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ để cung ứng cây đầu dòng cho HTX với diện tích khoảng 1ha. HTX cũng lấy cây quế giống từ huyện Văn Yên (Yên Bái) và cây hồi giống từ Lạng Sơn về để nhân giống.
Hiện HTX bán cây chè giống với giá từ 800 – 1.000 đồng/cây, cây quế giống với giá từ 1.200 – 1.500 đồng/cây và cây hồi giống với giá từ 3.500 – 5.000 đồng/cây.
Trung bình mỗi năm HTX sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 3 – 4 triệu cây chè giống các loại, trong đó chủ yếu là cây chè giống với khoảng 2 triệu cây. Với số lượng cây giống bán ra như vậy, HTX thu về khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Đến nay, thị trường tiêu thụ cây giống của HTX rất ổn định, sản phẩm đã có mặt ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La…
Với việc phát triển vườn ươm cây chè giống, HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 9 lao động là thành viên HTX với thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/người/tháng và giúp nhiều bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Ông Đoàn Văn Xuyết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Phú cho biết: "Trên địa bàn xã Sơn Phú chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Chí (Sán Chỉ) và Cao Lan sinh sống, trước đây đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn. Sau khi HTX Nông Sản Phú Đạt được thành lập đã giúp bà con trong vùng có công việc ổn định, từ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo".