Thái Nguyên: Dấu tích ngôi chùa cổ hơn 300 năm trên đỉnh núi Cao Báng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 16/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Người dân xóm Bờ La, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã tìm ra dấu tích ngôi chùa cổ có niên đại khoảng hơn 300 năm trên đỉnh núi Cao Báng. Dù chùa Cao Báng không còn nguyên vẹn, nhưng những dấu tích, hiện vật còn sót lại cũng có giá trị lịch sử rất lớn ở địa phương.
Bình luận 0

Clip: Ông Lâm Văn Điểm, quản lý di tích chùa Cao Báng kể về quá trình phát hiện dấu tích của ngôi chùa cổ tại xóm Bờ La, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Mất khoảng 40 phút, lần theo các con dốc cao, đất đá lởm chởm, có những chỗ gần như thẳng đứng mới tới được chùa Cao Báng nằm trên đỉnh núi Cao Báng.

Nằm ở độ cao 257m so với mực nước biển - vị trí cao nhất của huyện Phú Bình, nên từ chùa Cao Báng nhìn xuống có thể dễ dàng thấy nhiều nơi trên địa bàn huyện.

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 3.

Chùa Cao Báng nằm ở độ cao 257m so với mực nước biển, là vị trí cao nhất của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hà Thanh)

Chùa Cao Báng là ngôi chùa cổ được người dân phát hiện vào năm 1990 nhờ tìm thấy dấu tích một cây hương đá. Từ đó, chùa Cao Báng được người dân trong vùng tôn tạo, gìn giữ và thờ cúng cho đến ngày nay.

Ông Lâm Văn Điểm (68 tuổi, người dân tộc Nùng, ở xóm Bờ La, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là người đầu tiên phát hiện ra dấu tích của ngôi chùa cổ trong quá trình đi làm bãi.

Sau đó, ông Điểm tiếp tục tìm thấy nhiều phiến đá ở dưới ven núi. Trên những phiến đá có khắc chữ Hán Nôm thể hiện dấu tích của một ngôi chùa đã từng được xây dựng trước đó.

Thấy vậy, ông đã nhờ người mang những phiến đá đó lên xếp lại với nhau rồi dựng ngôi nhà bằng lá để thờ cúng vào những dịp ngày rằm, mồng 1 hằng tháng. Đến nay, ngôi chùa đã trải qua 3 lần tôn tạo và sửa chữa.

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 1.

Ông Lâm Văn Điểm là người đầu tiên phát hiện ra dấu tích của chùa Cao Báng cổ. (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 2.

Ông Điểm mang những phiến đá xếp loại với nhau và dựng ngôi nhà lá để thờ cúng (Ảnh: NVCC).

Cùng với thời điểm phát hiện dấu tích của chùa Cao Báng, người ta còn phát hiện giếng Cô Tiên nằm ở lưng chừng núi, trên con đường lên chùa.

Ban đầu, giếng Cô Tiên là một vũng nước nhỏ có các mạch nước ngầm từ khe núi chảy ra quanh năm với lượng nước lớn. 

Nước giếng quanh năm trong vắt và mát lạnh, có vị ngọt, ai qua đây cũng muốn được thưởng thức. Sau này, ông Điểm đã xây dựng giếng nước bằng gạch để giữ nước sạch, trong, ai ghé qua đều có thể dùng.

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 4.

Giếng Cô Tiên có nước trong vắt quanh năm, vị ngọt, mát lạnh. (Ảnh: Hà Thanh).

Bà Nguyễn Thị Trang – Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên)cho biết, theo tài liệu khảo cổ của ngành văn hóa tỉnh Thái Nguyên, qua khảo sát cây hương đá và nền chùa cho thấy, xưa kia nơi đây từng là một ngôi chùa lớn.

Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1722 tại đỉnh núi cao nhất của huyện, đã được chép trong sách cổ Đại Nam Nhất Thống Chí tập 4, nhà xuất bản KHXH Hà Nội năm 1971.

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 5.

Chùa Cao Báng nằm giữa một không gian thoáng mát và thanh tịnh. Ảnh: Hà Thanh

Chùa Cao Báng xưa kia là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong vùng. Đây cũng là nơi ông Đội Giá cùng nghĩa quân về lập căn cứ chống thực dân Pháp thời kỳ 1917 – 1918.

Tuy nhiên, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, ngôi chùa đã bị tàn phá hoàn toàn và lãng quên. Hiện nay, chùa chỉ còn một vài dấu tích như chân kê bằng đá, nền chùa từ cao xuống thấp (thượng, trung, hạ).

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 6.

Người dân trong vùng cùng nhau tôn tạo, gìn giữ và thờ cúng Phật tại chùa Cao Báng. (Ảnh: Hà Thanh)

Di vật duy nhất còn sót lại là cây hương đá cao 1,3m, một cạnh trên cùng tạc bình hương, giữa có tạo dáng mái che, cả 4 mặt có khắc một bài ký "Thiên đài thạch trụ" tức là cây hương đá chùa Cao Báng. Nội dung khắc trên cây hương đá nói về đạo Phật, đề cập đến sinh hoạt tôn giáo ở vùng này.

Người công đức xây dựng chùa quê ở Phủ Hạ Hồng và Phủ Kinh Môn (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Loại đá làm bia này lấy ở huyện Kính Chủ (tỉnh Hải Dương ngày nay). Niên đại tuyệt đối thời Lê Bảo Thái năm thứ 3.

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 9.

Những phiến đá có khắc chữ Hán Nôm (Ảnh: Hà Thanh) tại di tích chùa Cao Báng, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Sau này khi được phát hiện, người dân đã trông coi, quản lý, tu bổ và mở đường, đưa vật liệu lên núi để phục dựng lại ngôi chùa.

"Năm 2020, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND huyện Phú Bình kiểm kê các di tích lịch sử trên địa bàn, trong đó có di tích lịch sử chùa Cao Báng. Tuy nhiên đến nay, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng nên chùa vẫn chưa được ngành Văn hóa xếp hạng", bà Trang cho biết.

Thái Nguyên: Bí ẩn dấu tích ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi nằm trên đỉnh núi cao 257 mét  - Ảnh 10.

Một số dấu tích còn sót lại của ngôi chùa cổ. Ảnh: Hà Thanh

Theo đánh giá của ngành Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, di tích chùa Cao Báng có giá trị lịch sử rất lớn với nhiều hiện vật như cột đá, cây hương đá có in chữ Hán Nôm.

Do đó, nếu di tích này được phục dựng và được xếp hạng sẽ đáp ứng ý nghĩa di tích và sinh hoạt tâm linh, tôn giáo của người dân địa phương và du khách.

Trong những năm vừa qua, du khách đến với di tích chùa Cao Báng tương đối đông. Vì vậy, khi di tích được xếp hạng, việc tôn tạo, đầu tư sẽ thuận lợi hơn.

Huyện Phú Bình định hướng sẽ phát triển di tích chùa Cao Báng kết nối với khu du tích đình, đền, chùa Cầu Muối, tạo thành một quần thể du lịch tâm linh của huyện.

Đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Bình đã xây dựng kế hoạch đề nghị với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Di sản của tỉnh để khảo sát đưa di tích chùa Cao Báng vào lộ trình xếp hạng di tích của năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem