Thái Nguyên: Hương ước của ngôi làng cổ này là cứ hễ đàn ông 51 tuổi đều được cả làng làm lễ cầu thọ

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ ba, ngày 27/07/2021 05:21 AM (GMT+7)
Ở làng cổ Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), đàn ông cứ đến tuổi 51, đàn bà 61 tuổi họ lại được dân làng tổ chức lễ cầu thọ vào dịp Rằm tháng Giêng, đúng theo hương ước xưa.
Bình luận 0

Clip: Ông Dương Hữu Viễn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phương (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) giới thiệu về hương ước làng Phương Độ.

Làng Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những làng cổ còn giữ được nét văn hóa xưa của làng quê Bắc bộ.

Thái Nguyên: Ở làng này đàn ông đàn bà cứ 51 tuổi trở lên là cả làng lại đưa nhau ra đình cầu thọ  - Ảnh 1.

Đình Phương Độ có tuổi đời hơn 500 năm với nét cổ kính, uy nghiêm (Ảnh: Hà Thanh)

Ở làng cổ Phương Độ hiện còn giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn công trình kiến trúc thời Lê - đình Phương Độ có niên đại hơn 500 tuổi. 

Ngoài ra, cạnh đình còn có một chiếc giếng làng đầy rêu phong, được xếp lên từ những viên đá cuội, đá ong…mà theo nhiều cụ cao niên trong làng thì chẳng rõ nó có từ khi nào.

Đặc biệt, các thế hệ dân làng Phương Độ vẫn duy trì và thực hiện hương ước có từ những năm 40 của thế kỷ trước, với nhiều quy định khác nhau.

Thái Nguyên: Ở làng này đàn ông đàn bà cứ 51 tuổi trở lên là cả làng lại đưa nhau ra đình cầu thọ  - Ảnh 3.

Các cụ cao niên trong làng cũng không biết chiếc giếng cổ này có từ bao giờ (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Dương Hữu Viễn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phương cho biết, hương ước làng Phương Độ ra đời từ năm 1938 với 39 điều.

Tuy nhiên trải qua nhiều năm, đến nay, bản hương ước gốc của làng Phương Độ không còn nữa. Do đó mới đây, Ban quản lý di tích đình Phương Độ đã sưu tầm lại hương ước nhờ có một gia đình khi xưa có người làm lý trưởng trong làng giữ gìn.

Hương ước làng Phương Độ tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến việc tế tự, tôn ti trật tự, bảo vệ xóm làng, đồng ruộng, các khoản đóng góp với làng xóm, khuyến khích học tập, tinh thần trọng lão, đạo hiếu với cha mẹ…

Thái Nguyên: Ở làng cổ này, cứ 51 tuổi là lại đưa nhau ra đình cầu thọ  - Ảnh 4.

Ông Đồng Văn Vừa (Phó Ban quản lý di tích đình Phương Độ) giới thiệu tỉ mỉ về những quy tắc trong hương ước của làng Phương Độ. (Ảnh: Hà Thanh)

Trong hương ước của làng Phương Độ, đặc sắc nhất là những quy ước về phong tục tập quán, tín ngưỡng, khao vọng,... trong 3 dịp lễ lớn: Thượng nguyên, Cầu mát và Đại lệ (hay còn gọi "lệ làng").

Theo ông Đồng Văn Vừa (Phó Ban quản lý di tích đình Phương Độ), để chuẩn bị cho "lệ làng" (tức ngày 10/10 âm lịch), từ ngày 8/10 âm lịch, mọi người sẽ tập trung tại đình làng để họp bàn phân công công việc cho từng xóm (thời kỳ trước đây gọi là phe). Khi xưa, lý trưởng sẽ là người phụ trách việc phân công rõ ai mua trâu, ai sắm lễ.

Đến phần tế lễ, phải lựa chọn 54 thanh niên chưa vợ để rước kiệu. Trong hệ thống tế lễ gồm có 19 vị và 1 ông chiêng, 1 ông trống, có quan văn nội, quan văn ngoại.

Việc lựa chọn quan viên tế cũng phải tuân thủ theo nhiều nguyên tắc. Người được chọn làm quan viên tế lễ phải là người trong gia đình gia giáo, nề nếp, song toàn, gia đình không có tang, đặc biệt phải từ 51 tuổi trở lên.

Nếu ai đó được lựa chọn làm quan viên tế nhưng đi muộn hoặc bỏ, người đó buộc phải mua lễ đến sám hối tại đình. Trong quá trình tế lễ, phụ nữ của làng không được vào khu vực trung đình, cung cấm, mà chỉ được đứng bên ngoài vái lạy vào trong.

Thái Nguyên: Ở làng này đàn ông đàn bà cứ 51 tuổi trở lên là cả làng lại đưa nhau ra đình cầu thọ  - Ảnh 5.

Hương ước của làng Phương Độ với 39 điều và 21 trang (Ảnh: Hà Thanh)

Còn vào dịp Thượng nguyên (tức Rằm tháng Giêng), người dân làng Phương Độ vẫn duy trì tổ chức lễ cầu thọ tại đình làng với mong muốn cầu cho sức khoẻ, bình an.

Trong hương ước quy định chi tiết về các khoản đóng góp, trách nhiệm,...của người dân làng Phương Độ.

Theo người dân nơi đây, những ai đến tuổi 51, 60, 70, 80, 90, 100 đều phải có trách nhiệm đóng góp lễ với đình chùa của làng Phương Độ. Kể cả những ai đang làm ăn hoặc sinh sống ở ngoài địa phận làng xã, cứ đến ngày 14 tháng Giêng, tất cả đều phải về làng đóng góp công đức.

Xưa kia, tục lệ này chỉ áp dụng với nam giới. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, cứ vào Rằm tháng Giêng, bất kể đàn ông hễ đến tuổi 51 và đàn bà hễ đến 61 tuổi là sẽ được dân làng tổ chức lễ cầu thọ.

Theo đó, đến Rằm tháng Giêng, những người này phải góp lễ cho làng (mức đóng tùy tâm) để làm cỗ khao làng, rước cầu. Xưa kia, mỗi người đóng góp thường bằng thủ lợn, nhưng ngày nay được thay thế bằng những hiện vật giá trị hơn.

Do điều kiện kinh tế ngày càng khấm khá, nên ngoài góp lễ, những người này còn thường công đức thêm cho đình những hiện vật giá trị như chiêng, trống, cột đèn, bàn ghế… Số tiền thừa còn lại sẽ được giao cho làng để tôn tạo, tu bổ đình chùa.

Thái Nguyên: Ở làng này đàn ông đàn bà cứ 51 tuổi trở lên là cả làng lại đưa nhau ra đình cầu thọ  - Ảnh 9.

Lễ hội đình làng Phương Độ (Ảnh tư liệu)

Đến nay, những điều ước về giữ gìn đạo lý, phong tục tập quán… vẫn được người dân làng cổ Phương Độ duy trì và lưu giữ.

Bản hương ước như một lời nhắc nhở các thế hệ con cháu phải bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, làng xóm, cũng như thể hiện sự uy nghiêm của lệ làng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem