Theo Bộ trưởng Thắng, với số vốn giải ngân năm 2023 được giao hơn 90.000 tỷ đồng, đây là nguồn vốn lịch sử nên các đơn vị cần giải ngân phải quyết liệt, tranh thủ từng giây từng phút một để đạt hiệu quả giải ngân.
"Trong 6 tháng đầu năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt 37% là tương đối tốt, trong 6 tháng còn lại nguồn vốn giải ngân còn 63% là cả vấn đề nặng nề", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Cụ thể, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật, góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng, các dự án cao tốc Bắc - Nam và cao tốc trục ngang được bộ và địa phương triển khai quyết liệt và đã khởi công, giải ngân vốn đầu tư công cao so với bình quân chung của cả nước, 5/5 quy hoạch ngành đã được phê duyệt…
Bộ trưởng Thắng chỉ ra các tồn tại như một số dự án còn chậm tiến độ; công tác đào tạo cấp thu hồi giấy phép đường thủy còn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn mức cao và xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; còn xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không.
Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị của ngành bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ nhằm tham mưu kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, tiến độ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Cùng với đó, Cục, đơn vị chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không; sở giao thông vận tải địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thông qua công nghệ có chế tài xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải sẽ thu hồi giấy phép.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, đề xuất sửa đổi theo thực tiễn nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước đặc biệt là lái xe sau đào tạo, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe bởi sau thanh tra có nhiều vấn đề đồng thời có các kiến nghị điều chỉnh văn bản pháp luật, các vấn đề về mặt kỹ thuật… trong thời gian tới.
Đề cập đến công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực tài chính và tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, các dự án cao tốc hoàn thành theo đúng yêu cầu đề ra.
Đồng thời, kịp thời báo cáo bộ chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền của ban quản lý dự án và chủ đầu tư; điều chuyển các dự án giải ngâm chậm đảm bảo tiến độ giải ngân của Chính phủ giao.
Trước đó, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng báo cáo, một số dự án còn chậm tiến độ; giá trị khối lượng hoàn thành của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 mới đạt 3.648/29.108 tỷ đồng (đạt 12,5% số vốn bố trí cho năm 2023).
Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm, mặt bằng bàn giao không liên tục, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công; nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương.
Một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ được bộ giao.
Một số nhà thầu thi công dàn trải, chưa giải quyết dứt điểm được các dự án cũ theo đúng kế hoạch dẫn tới chưa triển khai các dự án mới theo tiến độ yêu cầu; năng lực tổ chức triển khai, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa chú trọng bố trí nhân sự nội nghiệp cho công tác nghiệm thu, thanh toán.