Dân Việt

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong mật

Một trong những khó khăn của nghề nuôi ong chính là cách chữa bệnh cho đàn ong. Trong số này, bà con hãy cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu phương pháp phòng tránh và điều trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong của mình.

Phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong mật cùng Sổ tay Nhà nông

Nuôi ong lấy mật là mô hình phát triển kinh tế tương đối ổn định. Mặc dù không đòi hỏi kĩ thuật chăm sóc cao nhưng bà con cần đặc biệt lưu ý một số căn bệnh ong dễ gặp phải. Trong số phát sóng hôm nay, bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu phương pháp phòng tránh và điều trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong mật.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong mật

1. Biện pháp phòng bệnh

Để có đàn ong phát triển khỏe mạnh thì người nuôi ong phải lấy nguyên tắc phòng bệnh là chính. Phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản, đỡ tốn kém nhưng nhiều người nuôi ong lại không chú ý tới. Để phòng bệnh quanh năm suốt tháng, người nuôi ong phải luôn đảm bảo các biện pháp:

- Giữ đàn ong luôn luôn ở thế mạnh, đông quân, nhiều cầu (tối thiểu phải 3 cầu trở lên). Chỉ đàn ong như thế mới đủ sức chống đỡ với bệnh tật khi mắc phải.

- Đàn ong luôn đảm bảo đủ phấn mật. Nếu rong thiên nhiên thiếu nguồn phấn mật, phải cho ong ăn bổ sung kịp thời, đảm bảo cho ong chúa đủ điều kiện đẻ liên tục.

- Thường xuyên kiểm tra, thải loại các bánh tổ quá cũ kỹ (không nên dùng bánh tổ quá 2 năm).

- Đảm bảo cho đàn ong thông thoáng mùa hè, kín gió và ấm áp về mùa đông.

- Cách ly kịp thời các đàn mắc bệnh bằng cách đưa chúng đến một địa điểm khác đủ xa (tức không để chúng sử dụng chung một nguồn hoa).

- Dùng thuốc phòng bệnh vào thời điểm kết thúc nguồn mật. Cách thực hiện như chữa bệnh chỉ khác là phải cho ong ăn liền 2 -3 tối rồi thôi ngay.

2. Biện pháp chữa bệnh

Để chữa bệnh cho ong hiệu quả, cần đảm bảo 2 nguyên tắc: 

- Phát hiện bệnh đúng lúc mới phát. Có thể căn cứ ngay ở hiện tượng bên ngoài của đàn ong như: Đàn ong giảm làm việc, ít đi lấy phấn về, mở nắp thùng thấy ong xao động, sôi lên, chạy dạt xuống dưới đáy tổ, từ trong thùng có mùi chua xông lên.

- Chẩn đoán đúng bệnh để chọn giải pháp và dùng thuốc đặc hiệu. Phải căn cứ vào các triệu chứng của từng bệnh được tóm tắt dưới đây để xác định.

2.1 Bệnh thối ấu trùng tuổi nhỏ

- Triệu chứng: Ấu trùng thường mắc bệnh ở 2 – 5 ngày tuổi làm cơ thể ấu trùng có màu trắng đục. Bệnh nặng, ấu trùng khô và teo đi hay chuyển sang màu sẫm, được ong thợ nhặt, vứt ra ngoài tổ.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong - Ảnh 2.

Bệnh thối ấu trùng tuổi nhỏ ở đàn ong mật.

- Điều trị: 

Phát hiện thấy ong mắc bệnh cần cách ly đàn ong bệnh sang địa điểm khác (nếu nuôi nhiều đàn). Tốt nhất đưa chúng đến chỗ có nguồn hoa. Tăng số quân bám trên cầu bằng cách rút bớt các cầu xấu, quá cũ, nhiễm bệnh nặng bỏ ra và hủy đi. Các cầu còn lại đem soi, dùng kẹp mũi nhọn gắp hết ấu trùng nhiễm bệnh đi, đem chôn sâu dưới đất.

Pha với đường cho ong ăn vào buổi tối các thuốc kháng sinh penicylin hay steptomycin hoặc hỗn hợp 2 loại đó theo tỷ lệ 1 – 1 với liều lượng:

+ Từ 10.000 – 20.000 đơn vị/1 cầu ong mỗi tối nếu bệnh nhẹ.

+ Từ 20.000 – 30.000 đơn vị/1 cầu ong mỗi tối nếu bệnh nặng.

Cũng cho ong ăn 2 – 3 tối liền nhưng khác với phòng bệnh ở chỗ cứ sau 10 ngày lại cho ăn tiếp thuốc cho đến lúc khỏi. Có thể trộn thêm với vitamin B1, C và phấn hoa. Nếu bệnh quá nặng, ong không chịu ăn thuốc, đành dùng bình bơm phun nước đường loãng có pha thuốc kháng sinh. Nên phun vào chiều tối để tránh làm xáo động đàn ong, dễ dẫn đến ong bốc bay (cách một ngày phun 1 lần).

2.2 Bệnh ấu trùng tuổi lớn (hay bệnh ấu trùng túi)

- Triệu chứng: Bệnh xảy ra ở ấu trùng tuổi lớn, thường ở giai đoạn nhộng làm màng vít nắp thủng lỗ chỗ. Ấu trùng thổi nhũn biến thành cái túi nhọn đầu, bên trong chứa đầy nước nhầy vàng, có mùi chua khó chịu.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Phòng ngừa và chữa trị một số bệnh thường gặp ở đàn ong - Ảnh 3.

Bệnh thối ấu trùng tuổi lớn ở đàn ong mật.

- Điều trị: Bệnh này do virus gây ra nên các thuốc kháng sinh đều không có hiệu lực, bà con nên điều trị bằng phương pháp sinh học, cụ thể như sau:

+ Cho ăn nước đường 3 – 4 tối hoặc di chuyển ong đến vùng có nhiều mật, phấn dồi dào để kích thích ong đi làm, vệ sinh và dọn sạch ấu trùng bệnh. Nếu bệnh mới phát, có thể dùng kẹp gắp các ấu trùng bị bệnh bỏ đi. Chú ý không làm cơ thể chúng vỡ ra vì dễ làm lây bệnh sang các lỗ ở cạnh.

+ Loại các bánh tổ có ấu trùng thối quá nặng ví gắp ra không thể hết. Nếu cần, bỏ hết cầu, thay thùng, dùng 1 – 2 cầu ở đàn không bệnh đưa sang nhằm giữ ong để đợi ong xây cầu mới khác.

+ Thậm chí, nếu có mũ chúa sẵn, nên thay ong chúa cũ đi. Trong thời gian đợi ong chúa mới đẻ, ta có cơ hội làm vệ sinh sạch sẽ bánh tổ.

2.3 Bệnh ỉa chảy

- Triệu chứng: Ong bụng chướng, không bay nổi, bò lung tung dưới đất và chết hàng loạt. Bệnh thường xảy ra vào thời kỳ mưa rét kéo dài hay ong ăn phải thức ăn bị ôi, chua, lên men.

- Điều trị: Phát hiện thấy bệnh, phải gấp rút bỏ máng ăn với thức ăn cũ đi. Nếu ngửi ở bánh tổ thấy mật cũng chua thì phải quay mật bỏ đi và cho ong ăn nước đường đun kỹ (xiro đường), có pha gừng (10g gừng tươi/1 lít nước đường/ cho 10 cầu trong tối) hoặc hòa với thuốc Fumagilin (25mg/1 lít xiro cho 40 cầu/1 tối). Gặp trời lạnh, phải che ủ cho tổ ong thật ấm áp. Chỉ sau vài ngày, bệnh sẽ mau lành.

2.4 Bệnh xoăn cánh

- Triệu chứng: Ong non không bay được, thường cố gắng bay lên rồi lại rơi xuống. Kiểm tra thấy cánh ong non xoăn tít ở 2 hay cả 4 cánh. Bệnh nặng, ong tự bò ra thật xa tổ để chết.

- Điều trị: Phải khẩn trương cho ong ăn no đủ mật và phấn, rút bớt cầu để quân bám trên các cầu còn lại đông lên và chống rét cho ong (cả trong và ngoài tổ) thật chu đáo.

3. Biện pháp tổng hợp

Những năm gần đây, nhiều người nuôi ong lâu năm đều gặp nhau ở cùng một kinh nghiệm là nếu muốn chữa trị bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả thì phải đồng thời áp dụng phương pháp chữa bệnh tổng hợp, nghĩa là đồng thời tiến hành một lúc các biện pháp sau:

- Vừa diệt nguồn bệnh (dùng thuốc đặc trị), vừa nâng cao sức đề kháng cho ong. Chọn các đàn ong chống trả bệnh tốt nhất để nhân đàn.

-  Hạn chế ảnh hưởng của chất độc hóa học (thường là thuốc trừ sâu) đối với ong. Tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu khi nguồn hoa tiết mật. 

- Tránh để giống ong bị cận huyết bằng cách thường xuyên trao đổi giống ong giữa các trại hay bổ sung giống ong rừng về để phục vụ tráng lại giống ong đã thoái hóa vì nuôi quá lâu.

-  Phát hiện bệnh ong kịp thời và chữa chạy dứt điểm. Nên tích cực phòng bệnh bằng cách cho ong ăn nước đường pha kháng sinh lúc kết thúc nguồn hoa.

Trên đây là một số bệnh thường gặp và các phương pháp phòng trị bệnh ở loài ong mật.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com