Chưa bao giờ, một phiên tòa lại thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân trên đất nước này. Vì sao? Vì phiên tòa này đã tựu trung đầy đủ những hành vi sai phạm tiêu biểu nhất (đưa và nhận hối lộ) đã và đang gây nhức nhối bộ máy công quyền và xã hội. Phiên tòa còn vạch ra những mảng tối nhũng nhiễu ở chốn quan trường, mà không phải người dân nào cũng được biết.
Phiên tòa bục ra những hành vi đưa và nhận hối lộ thật không ngờ, với các khoản tiền hối lộ "cực khủng", kỷ lục, lên tới hàng chục tỷ đồng, hàng triệu đô- la Mỹ… Những khoản tiền hàng chục tỷ đồng ấy, đối với người dân, có nằm mơ cũng không thấy, chứ nói gì được chạm tay vào tiền.
54 bị cáo trong vụ án, thì phần đông là những quan chức, cán bộ nhà nước, với chức vụ từ cấp cao nhất (thứ trưởng) đến bình thường (điều tra viên, nhân viên). Các cá nhân sai phạm ở rải rác khắp các bộ, ngành trung ương đến UBND tỉnh, thành và doanh nghiệp.
Điều đó nói lên rằng, hành vi tiêu cực hiện diện khắp nơi, cho dù nơi ấy là chốn công quyền (tượng trưng cho việc thượng tôn luật pháp), hay đơn thuần chỉ là một quán cà phê nhỏ.
Phiên tòa mới diễn ra 3 ngày, thế nhưng, qua các phiên trả lời Hội đồng xét xử, các bị can vốn là những quan chức quyền lực khét tiếng một thời, lại bộc lộ những… ngây ngô không thể ngờ tới. Trong đó, nổi bật câu giải bày của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (37 nhận tiền hối lộ, tổng số tiền 21,5 tỷ đồng). Bị cáo Dũng phân bua "vì không nhận thức được đó (hành vi nhận tiền) là phạm pháp".
Cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (10 lần nhận 5 tỷ đồng tiền hối lộ) thì… hồn nhiên trả lời: "không phải tiền ngân sách, nên nhận". Sau lần nhận tiền đầu tiên, muốn trả lại doanh nghiệp, nhưng sau đó, doanh nghiệp cứ đưa, nên… nhận thêm 9 lần nữa. Và, "tiền nhận được, bị cáo dùng vào việc ý nghĩa" (?!).
Với bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế - bị cáo nhận hối lộ với tổng số tiền hối lộ nhiều nhất trong vụ án (253 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng). Kiên khai rành mạch, một phần tiền hối lộ được nhận qua tài khoản của mẹ vợ. Sau khi nhận, Kiên dùng tiền mua đất đai, bất động sản ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức… và cho ông chú họ vay.
Phiên tòa càng bi, hài hơn, khi cựu phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khóc rưng rức trước tòa. Theo bị cáo Tuấn, sở dĩ bị cáo can tội môi giới hối lộ khoản tiền hơn 2,6 triệu USD để "chạy tội" cho 2 bị cáo từng là chủ doanh nghiệp trong vụ án này, là vì …"thương người"… Và, rất nhiều tình huống trớ trêu, tréo ngoe khác đã diễn ra tại phiên tòa, mà tôi không thể tả hết.
Tất nhiên, cho dù là một người dân kém hiểu biết nhất, chẳng ai tin những lời biện bạch, phân bua, lý lẽ của các bị can nói trên tại phiên tòa. Bởi, với cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, lẽ ra, ông phải "nhận thức" hơn thần dân của ông… 1.000 lần, việc nhận tiền trên là vi phạm luật pháp. Đằng nay, biện bạch cho hành vi nhận hối lộ của mình là "không nhận thức đó là phạm pháp", thực chất chỉ là… nói dối để chạy tội.
Tương tự, với cựu phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, vì ngộ nhận "không phải tiền ngân sách, nên nhận". Hơn ai hết, một quan chức cao cấp hàng đầu địa phương, phải biết chẳng luật pháp nào quy định hối lộ bằng tiền ngoài ngân sách là… được phép. Thêm một lời nói dối trơ trẽn!
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Đạo đức của người cán bộ phải được thường xuyên rèn giũa, giống như "ngọc càng mài càng sáng". Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định mình là công bộc của dân: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Đó là đạo đức, là phẩm chất trung tâm của người cán bộ cách mạng. "Liêm" - là không tham ô, sống trong sạch; "Chính" - phải luôn ngay thẳng, chính trực; "chí công vô tư" - là sự rạch ròi giữa việc công và việc tư, phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Trong một hội nghị vào tháng 11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cũng căn dặn xung quanh 2 chữ "liêm khiết" của người cán bộ: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất.
Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại".
Ngày 11/8/2021, tại buổi họp về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Ngẫm cho cùng, những quy định của luật pháp, các bài học về liêm, chính đối với mỗi công dân, từng cán bộ, là rất đầy đủ, rất rõ ràng và không hề thiếu. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chủ trương chống tham nhũng, chống tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ nhà nước đã được Đảng, Nhà nước thực hiện mạnh mẽ.
Song, qua phiên tòa "chuyến bay giải cứu" này, cho thấy, cuộc đấu tranh làm sạch chính mình, thay đổi chính mình trong đội ngũ cán bộ nhà nước vẫn nóng bỏng hơn bao giờ.