Hoa, cây cảnh được đánh giá là cây trồng chủ lực góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc).
Trồng hoa, trồng cây cảnh không những bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp mà còn là một trong những mũi nhọn kinh tế để gia tăng thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Để xứng danh với danh hiệu Làng nghề, xã Đức Bác đã khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng cây cảnh, trồng hoa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa đưa thương hiệu hoa, cây cảnh Đức Bác vươn xa hơn.
Vào thời điểm những năm 1990 ngời dân xã Đức Bác nói chung và người dân xóm Khoái (gồm Khoái Trung và Khoái Thượng) nói riêng chủ yếu là làm nghề nông nghiệp, đời sống kinh tế khi gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, một số người dân nơi đây đã tìm tòi và tham gia buôn bán gốm sứ Bát Tràng. Trong quá trình giao lưu, buôn bán được tiếp xúc với các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... đây là những địa phương có nghề trồng hoa, trồng cây cảnh phát triển.
Qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi, một số người dân đem trồng một số loài hoa như: hoa hồng, hoa lay ơn, hoa giấy...để trồng thử nghiệm.
Với vị trí địa lý, thổ nhưỡng thuận lợi nên khách thập phương đã đến và mua hoa, cây cảnh của người dân xã Đức Bác.
Hoa hồng, trong đó có hoa hồng cổ là một trong những cây hoa, cây cảnh được nông dân làng nghề ở Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn trồng phát triển kinh tế, tăng thu nhập...
Nhận thấy nhu cầu của thị trường và qua quá trình thực hiện làm nghề trồng hoa, xét thấy phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, một số người dân đã mạnh dạn trồng hoa đem bán, lúc đầu với diện tích còn nhỏ lẻ, rồi theo thời gian phát triển cho đến ngày nay.
Nghề trồng cây cảnh, trồng hoa cho thu nhập có hiệu quả đáp ứng với nhu cầu của thị trường và từ đó nghề trồng hoa cây cảnh được nhân rộng phát triển, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định đời sống cho nhiều hộ gia đình, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
Các loại hoa, cây cảnh đã được người dân xóm Khoái đem vào trồng để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn xã có diện tích trên 35ha trồng hoa, trồng cây cảnh, trong đó Làng nghề hoa cây cảnh xóm Khoái là 27,5ha, hiện nay bà con đang tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích.
Với số hộ tham gia làng nghề là 170 hộ, với 936 nhân khẩu, trồng nhiều loài hoa, cây cảnh có giá trị khác nhau. Việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang trồng hoa cây cảnh đã cho thu nhập bình quân của lao động từ 75 đến 100 triệu đồng/năm.
Làng nghề trồng cây cảnh, chăm sóc đa dạng các loại hoa cây cảnh, trong đó nổi bật nhất là các loại hoa giấy, hoa hồng, hoa mẫu đơn...
Hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về, Làng nghề lại rộn rã, náo nhiệt như trẩy hội bởi những đoàn khách khắp nơi tìm về đặt mua hoa, cây cảnh...với những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên các loại hoa được trồng tại Đức Bác có đặc điểm bông to, cánh khỏe, sắc thắm rất được người yêu hoa ưa chuộng.
Đến nay, làng nghề hoa cây cảnh xóm Khoái hàng năm cung ứng cho thị trường rất nhiều sản phẩm về hoa cây cảnh các loại, đem lại thu nhập cho người dân gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Ngày 27/12/2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định công nhận xóm Khoái là Làng nghề hoa cây cảnh. Đặc biệt Đức Bác là một trong 28 Làng được UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp.
Đề án góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương Đức Bác. Đồng thời thông qua việc xây dựng mô hình trồng cây cảnh, trồng hoa gắn với làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương.
Để phát triển hơn nữa quy mô, chất lượng Làng nghề trồng hoa trên địa bàn, thời gian tới xã Đức Bác sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất tập trung.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất hoa cho hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển Làng nghề trồng hoa, cây cảnh bền vững.