Thứ cá bé tí bơi hàng đàn ngoài sông Hậu, câu dễ như ăn kẹo, làm món gì ngửi mùi bụng cũng sôi ục ục - Ảnh 3.

Cá lòng tong kho-món ngon hao cơm.


Nhắc đến lòng tong tôi không sao không nhớ những ngày tháng 10 âm lịch ở Phong Điền (Cần Thơ). Người dân nơi đây dùng mấy cái hom như hom bắt chim, hoặc dùng lưới mắt nhỏ chặn một đầu kênh. Sau đó bà con liệng từng bụm đất sình xuống, mặt nước xao động, lũ lòng tong hoảng hốt chui ào ào vô “rọ”. 

Không phải một nhà mà cả xóm cả làng xúm nhau đánh bắt cá lòng tong. Nên, như một ngày hội đông vui đáo để. Mỗi nhà thu hoạch lòng tong chừng... chục ký.

Cá đem về nhà, cắt bỏ đầu, làm ruột, chà vảy rồi ướp mắm muối, gia vị vừa ăn trước khi trải trên những cái nia đem phơi. 

Một nắng tốt là những chú cá lòng tong ăn no gia vị quắt lại thành những con khô độc đáo, tôi nghĩ có lẽ chẳng nơi nào có được, ngoài cái xứ Phong Điền này.

Vì là loại cá nhỏ con, lại trở thành khô nên càng thêm nhỏ, cho nên khô cá lòng tong chỉ có mỗi một cách là chiên sơ trước khi ăn. 

Có thưởng thức khô cá lòng tong rồi, bảo đảm bạn sẽ bị ghiền, vì cái sự ngon quá là ngon của nó. Ăn chung với khô cá lòng tong là dưa nén.

Để làm dưa nén, người Phong Điền rửa sạch cải làm dưa, phơi ba nắng, rửa sạch lần nữa trước khi ướp muối đường. 

Sau khi nhận cải sơ chế vô hũ da lương, người ta đổ nước muối cùng đường thắng nấu với nước sông (phải là nước sông Phong Điền, TP Cần Thơ), khi sôi để nguội đổ vào hũ. 

Không phải 3 ngày như nhiều nơi khác, muốn ăn ngon dưa cải Phong Điền phải “chầu chực” tới 6 - 7 bữa sau. Đó là lúc dưa cải “chín”  màu vàng nghệ rất đẹp mắt, cho vị chua dịu, giòn tanh tách như nhảy trong răng.

Thưởng thức khô cá lòng tong chiên với dưa cải, uống ly rượu đế chánh gốc Phong Điền - thứ rượu uống tới đâu biết tới đó - mèn ơi, hương vị sông nước miền Tây sao đậm đà, say đắm vậy!